Tháo gỡ bất cập trong cải cách hành chính
Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thực tế cũng bộc lộ một số bất cập cần sớm được tháo gỡ để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tổ chức, công dân.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam
Còn nhiều vướng mắc
Ngày 13-1-2021, bà Nguyễn Thị Thơm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) tới làm chứng thực tại bộ phận “một cửa” UBND phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) thì được hẹn hôm sau đến lấy kết quả vì hệ thống phần mềm tiếp nhận hồ sơ bị lỗi. Vì cần gấp, bà Thơm sang một số phường lân cận, song đều nhận được câu trả lời tương tự.
Thông tin từ nhiều quận, huyện cho biết, tình trạng lỗi phần mềm trên hệ thống của thành phố đã xảy ra vài lần trong năm 2020. Để khắc phục những sự cố như vậy, cán bộ bộ phận “một cửa” của UBND các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ, Phú Xuyên… phải tiếp nhận hồ sơ giấy của tổ chức, công dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết: “Hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố chưa đồng bộ, phát sinh lỗi trong quá trình vận hành”… Ngoài ra, không phải hệ thống máy lấy số xếp hàng tự động, máy tra cứu thông tin, máy tính để thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở bộ phận “một cửa” nào cũng hoạt động tốt.
Từ thực tế triển khai công việc, Trưởng phòng Nội vụ quận Ba Đình Phạm Thanh Hà cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 4-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội đang áp dụng thì với trường hợp có từ 2 phòng, ban chuyên môn trở lên có số lượng thủ tục hành chính giao dịch không nhiều (dưới 50 hồ sơ/năm) hoặc thủ tục hành chính không phát sinh thường xuyên (hồ sơ theo đợt), quận phải cử công chức của 1 phòng chuyên môn làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận “một cửa”.
“Ví dụ, 2 phòng, ban chuyên môn đó có 100 hồ sơ/ năm thì tính trung bình 3 ngày công chức được cử ra bộ phận “một cửa” mới tiếp nhận 1 hồ sơ, như vậy là không hiệu quả”, ông Phạm Thanh Hà nhận xét.
Cũng liên quan đến quy định của các cấp, hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang phải sử dụng đồng thời nhiều phần mềm trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Theo Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Lưu Kiếm Anh: Kiểm tra tại những đơn vị có ghi nhận phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho thấy, việc hệ thống phần mềm bị lỗi gây ảnh hưởng tới quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Thậm chí đôi khi còn làm cho công chức bị “oan” vì họ đã giải quyết hồ sơ ở khâu của mình xong nhưng trên máy vẫn báo chậm…
Cần sớm tháo gỡ
Theo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2021, Hà Nội phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 99% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn… Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, những khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính cần sớm được tháo gỡ.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến kiến nghị, UBND thành phố chỉ đạo đơn vị triển khai phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp sớm khắc phục những lỗi phát sinh trong quá trình vận hành. Cùng với đó là điều chỉnh quy trình giải quyết đối với thủ tục “Cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở”; cập nhật, bổ sung thủ tục “Hỗ trợ vùng bị thiệt hại do dịch bệnh” trên phần mềm để các xã, thị trấn triển khai tiếp nhận hồ sơ.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết: “Sở đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phần mềm dựa trên các chuẩn kỹ thuật chung, bảo đảm việc kết nối với phần mềm của các địa phương; đồng thời kiến nghị thành phố triển khai hệ thống xác thực chữ ký số để thuận tiện cho việc cung cấp dịch vụ công mức 3, 4”.
Cũng nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính, một số quận, huyện như: Ba Đình, Hà Đông, Phú Xuyên, Ba Vì… đang thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các thủ tục hành chính; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức...
Hiện Văn phòng Chính phủ đang chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, vướng mắc từ các đơn vị là cơ sở để đổi mới, khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận “một cửa”, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.