Tháo gỡ các 'điểm nghẽn' để phục hồi kinh tế

Dù kinh tế Thủ đô đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, song trước những rủi ro, thách thức rất lớn, nhất là việc giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tại kỳ họp thứ bảy, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thận trọng xem xét, quyết nghị những giải pháp thúc đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022.

Phiên thảo luận tại kỳ họp thứ bảy Hội đồng nhân dân thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu-chi ngân sách sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm 2022 của thành phố. (Ảnh: THÀNH NGUYỄN)

Phiên thảo luận tại kỳ họp thứ bảy Hội đồng nhân dân thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu-chi ngân sách sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm 2022 của thành phố. (Ảnh: THÀNH NGUYỄN)

Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá: sáu tháng đầu năm 2022, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã giúp kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sáu tháng đầu năm nay tăng 7,79%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021; lượng khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội đã đông dần lên, đạt 234 nghìn lượt, tăng 232%, thu ngân sách đạt 179.476 tỷ đồng, đạt 57,6% dự toán và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Thủ đô vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ bảy đã có 45 đại biểu với 87 ý kiến thảo luận tại tổ và năm ý kiến thảo luận tại hội trường xoay quanh nội dung quan trọng này nhằm tháo gỡ ‘‘điểm nghẽn’’, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Các đại biểu cho rằng, cùng với sự phục hồi nhanh của kinh tế, đặc biệt, bằng sự nỗ lực của hệ thống chính trị của thành phố, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo tiền đề mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thành phố trong tương lai gần. Để thực hiện hiệu quả dự án, các địa phương có đường vành đai 4 đi qua như huyện Thường Tín, quận Hà Đông đề nghị chủ đầu tư sớm bàn giao chỉ giới để tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Để khai thông các nguồn lực từ đất, nhiều đại biểu đề nghị thành phố phân cấp nhiều hơn trong thực hiện đấu giá các dự án hơn 30 tỷ đồng. Hiện tại, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục hành chính và có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách năm 2022.

Nhiều ý kiến đề xuất, thành phố cần kiến nghị với Trung ương đối với các vướng mắc, bất cập trong các chính sách như công tác ứng vốn giải phóng mặt bằng thông qua Quỹ Đầu tư phát triển đất, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng. Đại biểu Đường Hoài Nam (quận Long Biên) đề nghị thành phố cần nhanh chóng khắc phục những khâu yếu hiện nay về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các đề án công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số…

Liên quan đến việc phân cấp quản lý, các ý kiến đề nghị tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc: Cấp nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đó thực hiện; từng bước đồng bộ phân cấp đầu tư và quản lý sau đầu tư; đồng thời với phân cấp kinh tế-xã hội là phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới nhóm địa phương còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, hạ tầng kinh tế còn thấp nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Các ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc phân cấp, ủy quyền phải đúng luật, bảo đảm sự ổn định và có lộ trình; đồng thời cần phải phân cấp thủ tục hành chính, chú ý khi phân cấp phải giảm được số lượng thủ tục hành chính cấp thành phố...

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn: Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô sáu tháng đầu năm còn một số hạn chế, đó là tiến độ triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc... Vì vậy, Hội đồng nhân dân thành phố dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn của thành phố.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách sáu tháng cuối năm 2022. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; kiểm soát giá cả, thị trường; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”...

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/thao-go-cac-diem-nghen-de-phuc-hoi-kinh-te--704412/