Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực để phát triển công nghiệp công nghệ số
'Luật Công nghiệp công nghệ số ban hành phải đi ngay vào thực hiện Nghị quyết số 57 – NQ/TW; tính toán, làm rõ từ nay đến năm 2030, năm 2045, phải làm chủ công nghệ chiến lược như thế nào để phát triển đất nước; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực để hoàn thiện, xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công nghệ số', Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 6.1.
Bảo đảm phạm vi điều chỉnh phù hợp với những vấn đề mới
Ngay sau Kỳ họp thứ Tám, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan liên quan đã khẩn trương tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại Hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Đánh giá cao điều này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, ngày 22.12.2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 - NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng. Bộ Chính trị sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết này vào ngày 13.1 tới tại Hội trường Diên Hồng. Lưu ý, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được soạn thảo và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trước thời điểm Nghị quyết số 57 được ban hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải dự kiến khi Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới thì sẽ điều chỉnh những nội dung nào để bảo đảm thật sự đột phá cho phát triển công nghiệp công nghệ số.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải chuẩn bị các phương án để bảo đảm phạm vi điều chỉnh phù hợp với những vấn đề mới mang tính thời sự như: internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn... "Phải xác định trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối, công nghiệp bán dẫn là công nghệ chiến lược và mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 từng bước làm chủ công nghệ này. Luật Công nghiệp công nghệ số ban hành phải đi vào thực hiện Nghị quyết số 57; tính toán, làm rõ từ nay đến năm 2030, năm 2045, phải làm chủ công nghệ chiến lược như thế nào để phát triển đất nước; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực để hoàn thiện, xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công nghệ số", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đối chiếu với các chủ trương định hướng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57, để thể chế hóa kịp thời ngay trong dự thảo Luật những chính sách, chủ trương liên quan đến phát triển công nghiệp công nghệ số.
Nhận định dự thảo Luật đã có các chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và cơ bản phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 57, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ ra, một số chính sách ưu đãi đặc thù khác với các quy định của các luật hiện hành có liên quan. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi của các chính sách ưu đãi vượt trội thì phải sửa đổi các điều, khoản trong các Luật như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Khoa học và công nghệ…
Vì đâu phân bổ ngân sách nhưng giải ngân không hết?
Cho rằng phải chỉ ra được điểm nghẽn thì mới tháo gỡ được, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan thẩm tra rà soát lại việc thực hiện chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, trong đó, giải ngân đầu tư bao nhiêu, chi cho các công trình nghiên cứu khoa học, các đề tài, chi hành chính, chi thường xuyên... như thế nào. “Cứ kêu là thiếu quan tâm, thiếu đầu tư nhưng tôi biết nguồn phân bổ cho lĩnh vực khoa học, công nghệ hàng năm giải ngân không hết. Giải ngân chậm do đâu, do cơ chế làm không được hay không chịu làm? Đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh thẳng thắn, “đúng như Chủ tịch Quốc hội nêu, hiện nay, việc hỗ trợ ưu đãi, đầu tư cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đặc biệt là đối với chuyển đổi số không phải vấn đề về nguồn, mà là do cơ chế chi tiêu, do các quy định của Luật Ngân sách nhà nước từ phân bổ đến quản lý, quyết toán. Các công trình của chúng ta nếu quản lý theo cách của ngân sách nhà nước hiện nay thì kể cả có quy định trong luật bao nhiêu tiền thì việc giải ngân cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn, không đáp ứng được tinh thần của Nghị quyết số 57 đặt ra trong thời gian tới”.
Lưu ý, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ đã đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ chỉ trình một luật sửa 9 luật và đều liên quan đến các luật khác, chưa có các nội dung liên quan đến nghiên cứu khoa học, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ sớm quan tâm đến vấn đề này.
Giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nêu rõ, dự thảo Luật đã đưa ra một số cơ chế, chính sách ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết số 57. Cụ thể là, xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để ưu đãi đặc biệt cho công nghệ số trọng điểm, tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho những nội dung mới như tài sản số, AI; khuyến khích đổi mới sáng tạo và loại bỏ tư duy không quản được thì cấm. "Đặc biệt là có những chính sách ưu đãi cho việc chế tạo, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Việt Nam để giúp chúng ta từng bước tự chủ được về công nghệ", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng đã đề ra 3 nhóm chính sách ưu đãi đặc biệt. Một là, ưu đãi cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, như: ưu đãi cấp thị thực dài nhất cho những nguồn nhân lực chất lượng cao, hay miễn giấy phép lao động, miễn thuế thu nhập cá nhân, những chính sách về tín dụng, học bổng cho sinh viên. Hai là, ưu đãi cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trường đại học. Nhà nước sẽ bố trí kinh phí từ lĩnh vực khoa học, công nghệ và từ ngân sách để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm. Ba là, ưu đãi cho doanh nghiệp, có chính sách tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn... đầu tư vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đề ra.