Tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong phát triển các cụm công nghiệp. Bài 2: Giải 'bài toán' về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật

Thiếu nguồn vốn nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp vẫn còn manh mún, không đồng bộ, không có kinh phí bố trí duy tu bảo dưỡng, tái đầu tư kết cấu hạ tầng… là thực tế trong phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các dự án đầu tư cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khiến các cụm công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương.

 Hệ thống giao thông nội bộ ở Cụm công nghiệp Đông Lễ, Đông Hà đã xuống cấp - Ảnh: T.T

Hệ thống giao thông nội bộ ở Cụm công nghiệp Đông Lễ, Đông Hà đã xuống cấp - Ảnh: T.T

Kết cấu hạ tầng xuống cấp, thiếu đồng bộ

Năm 2008, Cụm công nghiệp (CCN) Đông Lễ (Đông Hà) được đưa vào hoạt động với tổng diện tích 10 ha. Từ 19 dự án ban đầu, đến nay còn 14 dự án đang hoạt động. Trước tình trạng bất cập của hệ thống thoát nước trước CCN, gây ngập úng vào mùa mưa, cuối năm 2020, UBND thành phố Đông Hà đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống thoát nước. Đối với hệ thống giao thông nội bộ trong CCN Đông Lễ hiện đã xuống cấp, tuy nhiên chưa có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư nên ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp.

CCN Diên Sanh (Hải Lăng) đi vào hoạt động hơn 15 năm nay nhưng chỉ mới thu hút 9 dự án đầu tư. Tại đây, tình trạng ngập úng lặp đi lặp lại vào mùa mưa tại các tuyến đường T12 và T13, bên cạnh Nhà máy bao bì An Phú Minh và Nhà máy dệt nhuộm may VTJ Toms gây bất tiện cho doanh nghiệp tại khu vực này. Kết cấu hạ tầng CCN chưa được đầu tư đồng bộ cũng là thực trạng tại CCN Hải Chánh (Hải Lăng). Với diện tích 30 ha, tại CCN Hải Chánh mới chỉ được cấp vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đoạn đường RD 5 dài 700 mét. Hệ thống xử lý nước thải, hệ thống giao thông và hệ thống thoát nước mặt chưa có, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông. Doanh nghiệp phải tự bỏ tiền đầu tư hệ thống điện chiếu sáng. Theo Giám đốc Trung tâm PTCCN và KC Hải Lăng Hoàng Ngọc Ký, huyện đang lấy ý kiến tham vấn cộng đồng về vị trí điểm xả thải để thực hiện công trình đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải CCN Diên Sanh theo như phê duyệt. Để giải quyết tình trạng ngập úng vào mùa mưa ở một số tuyến đường trong CCN Diên Sanh, nhu cầu trước mắt cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước mưa chống ngập úng với quy mô chiều dài khoảng 2.000 mét, tổng mức đầu tư khoảng 4,155 tỉ đồng.

Thực tế, nhiều CCN đã được UBND tỉnh giao đất để xây dựng kết cấu hạ tầng (KCHT) kỹ thuật như mặt bằng, điện, đường, nước… Tuy nhiên, cũng có một số CCN chưa được UBND tỉnh giao đất để xây dựng KCHT kỹ thuật, với lý do UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa lập dự án đầu tư theo quy định. Do đó quá trình thực hiện dự án của các nhà đầu tư tại CCN chưa thống nhất, đồng bộ. Trong khi đó, việc kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng KCHT kỹ thuật để cho thuê lại đất theo quy định của pháp luật đất đai còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Quảng Trị thực hiện dự án CCN Đông Gio Linh, tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án chậm. Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh cho giãn tiến độ và thu hồi một phần diện tích đất, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tạm dừng dự án xây dựng KCHT kỹ thuật CCN Đông Gio Linh.

Hoàn thiện hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư

Tính đến cuối năm 2020, tổng kinh phí đã thực hiện đầu tư xây dựng KCHT tại các CCN trên địa bàn tỉnh khoảng 204,78 tỉ đồng/tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các CCN là 1.025,54 tỉ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 168,81 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 19,96% tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số địa phương như thị xã Quảng Trị đầu tư 1,5 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng CCN Hải Lệ. Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng cho biết: “Việc triển khai đầu tư xây dựng KCHT CCN còn chậm, thời gian kéo dài, nguyên nhân là do thiếu vốn đầu tư xây dựng, đến nay mới bố trí khoảng 18-20% so với tổng nhu cầu. Nguồn vốn xây dựng chủ yếu từ ngân sách trung ương, tỉnh và đối ứng của các huyện, thị xã, thành phố. Các dự án thứ cấp thu hút vào CCN thông qua phương thức xã hội hóa trong việc tự đền bù, giải phóng, san lấp mặt bằng làm tăng kinh phí đầu tư ban đầu của dự án. Mặt khác, việc xây dựng thường không đồng bộ, ảnh hưởng đến vấn đề xây dựng KCHT chung của CCN sau này”.

Đầu tư đồng bộ KCHT CCN đầy đủ để có thể khai thác và sử dụng hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng đến các hạng mục trước đã bị xuống cấp trong khi các hạng mục phía sau lại chưa thực hiện xong là rất quan trọng. Đối với địa phương có điều kiện phát triển kinh tế- xã hội còn khó khăn như tỉnh Quảng Trị, sức hút các nhà đầu tư còn thấp, các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển thì việc huy động nguồn lực các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN là khó khả thi. Đây thực chất là mô hình doanh nghiệp thuê đất ở CCN của nhà nước với một số chính sách, cơ chế ưu đãi rồi tự xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp thuê lại đất đã có điện, đường... vào hoạt động sản xuất để thu lợi. Cái khó là vốn đầu tư hạ tầng CCN quá lớn, thời gian hoàn vốn chậm, quyền của nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN sau khi thu hút dưạ́n đầu tư thứ cấp còn hạn chế. Thực tế đã có doanh nghiệp thực hiện nhưng đã chấm dứt nửa vời, gây hệ lụy khó giải quyết. Do đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cần có sự đồng hành của nhà nước nhằm hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tại CCN. Bên cạnh thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, CCN còn thực hiện nhiệm vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, giải quyết ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Do đó, mô hình quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng CCN do đơn vị sự nghiệp thực hiện là phù hợp nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng, hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số dự án đề xuất thực hiện dự án khu nhà xưởng và văn phòng trong CCN nhằm mục đích cho thuê hoặc bán. Việc này sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các dự án thu hút thứ cấp đầu tư vào CCN, là xu hướng mới, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hoạt động của các CCN. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 15 và Điều 20 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN thì đối với chủ đầu tư các dự án khu nhà xưởng và văn phòng trong CCN chỉ là chủ đầu tư của dự án thứ cấp đầu tư vào CCN chứ không phải là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Đây là mô hình mới, Sở Công thương đã đề nghị của Cục Công thương địa phương hướng dẫn chi tiết đối với mô hình sản xuất, kinh doanh này để công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng CCN được chặt chẽ hơn.

Để giải “bài toán” đầu tư đồng bộ KCHT sao cho hiệu quả đối với các CCN trên địa bàn tỉnh, cần có sự phân loại, CCN nào thuận tiện về giao thông, thuận lợi về sản xuất, kinh doanh, dễ xúc tiến đầu tư thì có sự ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN cần tránh cào bằng và theo tỉ lệ diện tích. Ngoài ra, đối với việc giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN, cần quan tâm thu hút các dự án đầu tư có quy mô, công suất phù hợp đối với từng CCN để khai thác, gia tăng giá trị sử dụng đất, thu hút được nhiều doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh trong CCN.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158891&title=thao-go-%E2%80%9Cdiem-nghen%E2%80%9D-trong-phat-trien-cac-cum-cong-nghiep-bai-2-giai-%E2%80%9Cbai-toan%E2%80%9D-ve-dau-tu-ket-cau-ha-tang-ky-thuat