Tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong quá trình thực hiện các nghị quyết

Nhiều nghị quyết (NQ) của HĐND tỉnh ban hành đã tháo gỡ nhiều vướng mắc. Song, thực tiễn chỉ rõ, quá trình thực hiện các NQ cũng đang có nhiều 'điểm nghẽn'.

Sau mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh lại ban hành nhiều NQ để điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù với sự phát triển của tỉnh. Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND tỉnh đã đánh giá quá trình thực hiện nhiều NQ. Trong đó, việc thực hiện các NQ liên quan đến hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp và dự án (DA) hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm.

Cần nhiều hơn sự hỗ trợ đối với loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã

Cần nhiều hơn sự hỗ trợ đối với loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã

Phù hợp thực tiễn

Ngày 25/1/2022, HĐND tỉnh ban hành NQ số 02/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Đây được đánh giá là NQ phù hợp với thực tiễn khi các cơ sở công nghiệp nhiều năm nằm trong khu dân cư, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Triển khai NQ này, để có mặt bằng sản xuất phục vụ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; phê duyệt bổ sung các cụm công nghiệp như, Điền Lộc 2, Phú Diên, Thủy Phương vào Quy hoạch tổng thể tỉnh Thừa Thiên Huế; phê duyệt thành lập các cụm công nghiệp Bình Thành (quy mô 32ha), Điền Lộc 2 (quy mô 20,82ha), điều chỉnh thành lập cụm công nghiệp Điền Lộc (quy mô 27,6ha) từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách…

Dù vậy, tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, lãnh đạo Sở Công thương nhìn nhận, do các cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa có mặt bằng để bố trí các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp. Vì vậy, việc thực hiện chính sách di dời chưa đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ đề ra.

Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, các địa phương cần hướng dẫn các cơ sở sản xuất xây dựng phương án di dời, thực hiện di dời vào cụm công nghiệp và xây dựng kinh phí hỗ trợ trong năm 2025 theo quy định; tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, chú trọng đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp đảm bảo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, khẩn trương xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường để có đủ điều kiện phục vụ di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, về khách quan, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024 sẽ gỡ khó nhiều vấn đề. Đơn cử như đối với các cụm công nghiệp do ban quản lý DA đầu tư xây dựng khu vực cấp huyện làm chủ đầu tư trước ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024 (gồm các cụm công nghiệp: Thủy Phương, Tứ Hạ, Hương Hòa, Vinh Hưng), các DA sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các cụm công nghiệp này sẽ được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện DA đầu tư theo quy định tại Điều 123 của Luật Đất đai năm 2024.

Phối hợp để thực hiện hiệu quả NQ

Trong quá trình phát triển, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã luôn được tỉnh quan tâm. NQ số 97/NQ-HĐND ngày 14/10/2021 về chủ trương đầu tư DA Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 dường như đã “gãi đúng chỗ ngứa” liên quan đến phát triển các loại hình kinh tế này.

NQ số 97/NQ-HĐND hỗ trợ 18 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư là 60,1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 15.000 tỷ đồng, nguồn đối ứng của các hợp tác xã là 25 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã có 4 DA thành phần được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12,596 tỷ đồng (chiếm 20,95% tổng mức đầu tư). Dù vậy, tỷ lệ DA thành phần được duyệt hiện còn khá thấp (4/18, chiếm tỷ lệ 22,2%).

Nói về nguyên nhân, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều hợp tác xã chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vị trí đề xuất xây dựng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất do tại thời điểm công tác quản lý đất đai, quy hoạch chưa tốt do vậy ảnh hưởng đến vị trí đề xuất xây dựng nhà kho, sân bãi của các dự án thành phần. Một số đơn vị đăng ký quy mô đầu tư chưa phù hợp, năng lực điều hành của hợp tác xã còn hạn chế, các đơn vị chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn chưa cụ thể trong công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư ban đầu. Các DA thành phần gặp vướng mắc về đất đai, quy hoạch, vốn đối ứng, quy mô đầu tư…

Ngoài ra, một số hợp tác xã đủ điều kiện nộp hồ sơ trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, nhưng chưa tiến hành nộp hồ sơ trình phê duyệt DA theo quy định gồm: Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Phú Sơn, Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên, thị xã Hương Thủy và Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Hồ.

Để giải quyết những khó khăn, theo đề xuất của các hợp tác xã và các địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh hợp tác xã trực tiếp hướng dẫn UBND cấp huyện, xã, hợp tác xã; hướng dẫn lập báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư; đôn đốc hợp tác xã, UBND cấp xã, UBND cấp huyện khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương,…

Nhận diện rõ tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả các NQ, Thường trực HĐND tỉnh cho biết, thời gian tới HĐND tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi chính sách của Nhà nước, đặc biệt là việc thực hiện các NQ của HĐND trên địa bàn.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/thao-go-diem-nghen-trong-qua-trinh-thuc-hien-cac-nghi-quyet-145915.html