Tháo gỡ điểm nghẽn trước mắt, kiên định các mục tiêu dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội

Sau 1,5 ngày thảo luận tại Hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 1/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã phát biểu kết thúc phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận kéo dài 1,5 ngày.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận kéo dài 1,5 ngày.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Đã có 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận, còn 92 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến về Ban Thư ký để kịp thời tổng hợp. Trong phiên họp cũng có 5 Bộ trưởng đã tham gia phát biểu, giải trình nhiều vấn đề được cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Các đại biểu Quốc hội thống nhất, năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, vượt khả năng dự báo, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự sâu sát, cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bảo ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, nên nền kinh tế nước ta đã đứng vững, từng bước phục hồi, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, lĩnh vực xã hội, đời sống nhân dân cơ bản đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, công tác đối ngoại đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Nhận định năm 2024 và thời gian còn lại của cả nhiệm kỳ, do tác động bất lợi từ bên ngoài và do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị theo dõi sát tình hình trong nước và trên thế giới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trước mắt cũng như kiên định các mục tiêu dài hạn, yêu cầu phát triển bền vững để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; Tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Thúc đẩy tác động năng lực tăng trưởng, các động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dung; Ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, điều hành hợp lý giá, lãi suất, kiểm soát hợp lý chất lượng tín dụng.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề trách nhiệm, tinh thần, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức và vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Các Bộ trưởng đã tham gia phát biểu về một số vấn đề nổi lên của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tuy nhiên, do thời gian có hạn, chưa thể trả lời đầy đủ các vấn đề mà các đại biểu đã nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng ghi nhận để tiếp tục trả lời, giải trình tại phiên chất vấn tới đây của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết của các Nghị quyết của Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Quý Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thao-go-diem-nghen-truoc-mat-kien-dinh-cac-muc-tieu-dai-han-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-363720.html