Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, mở đường cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá

Tại Hội thảo khoa học quốc gia 'Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới' do Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 7/5, nhiều chuyên gia nhận định gỡ bỏ rào cản thể chế, đơn giản hóa thủ tục, và tạo môi trường pháp lý minh bạch là bước đi cấp thiết để doanh nghiệp tư nhân bứt phá và đóng vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế.

Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế

Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giải pháp đột phá hướng tới tăng trưởng hai con số cần tháo bỏ điểm nghẽn thể chế, trước hết là hệ thống các quy định pháp luật liên quan như các quy định, các thủ tục hành chính đang cấm/hạn chế đổi mới sáng tạo, hạn chế tự do kinh doanh dưới mọi hình thức, trừ các ngành, nghề cấm kinh doanh theo luật định.

Theo đó, cần bãi bỏ các thủ tục hành chính theo lối “xin-cho”, là các thủ tục hành chính với nội dung hồ sơ, điều kiện chấp thuận không rõ ràng, không cụ thể. Bãi bỏ, bổ sung sửa đổi phần lớn các quy định, thủ tục hành chính theo lối “tiền kiểm” chuyển sang “hậu kiểm” dựa trên mức độ rủi ro (cao, trung bình, thấp) của hàng hóa và lịch sử tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện quản lý theo KPIs… trước hết, trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Bãi bỏ thủ tục hành chính giấy tờ; đơn giản hóa tối đa chế độ kế toán, báo cáo đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ cá thể; đồng thời, đẩy nhanh quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước nhằm giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: H.G)

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: H.G)

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ cá thể đến năm 2030 và có thể gia hạn thêm; thực hiện chế độ thuế doanh thu với mức thấp hợp lý… để khuyến khích doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh tuân thủ luật pháp theo nguyên tắc càng tuân thủ đúng, càng hưởng lợi nhiều.

Bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng; giảm thiểu rủi ro pháp lý, tuyệt đối không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự và hành chính. Bên cạnh đó, phân cấp mạnh, toàn diện cho địa phương theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…

TS. Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh cần hình thành “các điểm” thể chế đột phá vượt trội so với thông lệ quốc tế tốt, tạo động lực tăng trưởng mới như: thành lập các khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao (nâng cấp, mở rộng các khu công nghệ cao hiện có, và đầu tư thành lập thêm các khu mới); thành lập các khu thương mại tự do chuyên ngành (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ,…) với thể chế đột phá vượt trội so với thông lệ quốc tế tốt…

Phát triển doanh nghiệp tư nhân

Tham luận tại hội thảo, TS Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, Doanh nghiệp tư nhân là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và hội nhập, đồng thời chỉ ra 6 nhóm cải cách đột phá phát triển kinh tế tư nhân đáp ứng bối cảnh mới: cải cách thể chế; tiếp cận vốn; chính sách riêng cho doanh nghiệp tư nhân nội địa; kết nối thị trường toàn cầu; chính sách khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

TS Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: H.G)

TS Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: H.G)

Khẳng định cải cách thể chế cần trở thành lợi thế cạnh tranh chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, theo TS Đậu Anh Tuấn, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, áp dụng phương pháp quản lý theo rủi ro để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Việt Nam cần chấm dứt tình trạng chồng chéo pháp luật, tiến tới tinh giản hóa các quy định không cần thiết, xây dựng một hệ thống pháp luật thân thiện hơn với hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Tinh thần chủ đạo của chính sách phải là hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh, trong đó cần triển khai các cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) để tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới phát triển.

TS. Đậu Anh Tuấn cũng nêu rõ thực trạng hiện nay khi phần lớn doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, trong khi thị trường chứng khoán chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, và hệ sinh thái khởi nghiệp còn thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm, dù Việt Nam đang đứng thứ ba Đông Nam Á về khởi nghiệp.

Để cải thiện tình hình này, ông đề xuất phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các quỹ Pre-IPO và quỹ quốc gia về khởi nghiệp, xây dựng sàn giao dịch chứng khoán riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tạo dựng môi trường gọi vốn thuận lợi – đặc biệt cho lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng cần có chính sách riêng cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các nhóm ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ. Đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cần áp dụng các cơ chế như yêu cầu tỷ lệ thầu phụ; chính sách đặt hàng từ Nhà nước; hỗ trợ vốn; ưu đãi thuế; tiếp cận mặt bằng và nhân lực để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ cao.

Cuối cùng, TS. Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành STEM, công nghệ và kỹ thuật và xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp – đại học – viện nghiên cứu, nhằm đảm bảo đào tạo sát nhu cầu, phục vụ mục tiêu đổi mới sáng tạo và phát triển dài hạn.

Hương Giang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thao-go-diem-nghen-ve-the-che-mo-duong-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-but-pha-post547670.html