Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nông sản liên quan đến ngành hàng chè, mật ong, rau củ quả và chế biến gỗ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu nông sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Ngành Công thương đã kịp thời nắm bắt, tham mưu tỉnh và kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ, nhân viên Chi cục Hải Quan Vĩnh Phúc làm việc 24/7 giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cán bộ, nhân viên Chi cục Hải Quan Vĩnh Phúc làm việc 24/7 giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trong số các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nông sản, ngành hàng chè chiếm đa số với 8/11 doanh nghiệp. Nguyên liệu chè dùng chế biến là chè xanh, chè đen bán thành phẩm được các doanh nghiệp thu mua tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Sản phẩm chè sau chế biến được xuất khẩu sang các thị trường Pakistan, Afganistan, Đài Loan và các nước Trung Đông.

Đối với ngành hàng mật ong, có 1 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Ong Tam Đảo, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên. Đây là doanh nghiệp có dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc.

Ngành hàng rau, củ, quả và chế biến gỗ có 2 doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là ớt tươi, ván gỗ công nghiệp sang Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Chi cục Hải Quan Vĩnh Phúc đã bố trí cán bộ, nhân viên làm việc 24/7; tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện các giải pháp quản lý hải quan hiện đại phục vụ giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác; đảm bảo công tác tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thông quan hàng hóa XNK và phòng chống dịch bệnh; đối với các doanh nghiệp có nhu cầu thông quan hàng hóa ngoài giờ hành chính chỉ cần đăng ký trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến…

Mặc dù được tạo điều kiện tối đa trong giải quyết thủ tục hành chính để xuất khẩu nông sản, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc - một trong những thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp bị siết chặt quản lý do dịch Covid-19. Thị trường tiểu ngạch bị hạn chế khiến một số doanh nghiệp phải tạm dừng xuất khẩu, thậm chí không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như Công ty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp Dũng Đạt, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, năm 2021, doanh nghiệp này không ký kết được đơn hàng xuất khẩu ớt tươi nào cho các đối tác ở thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp không nhập khẩu được vật tư sản xuất, thiếu nhân sự do người lao động phải thực hiện cách ly phòng, chống dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa…

Tình trạng phía đối tác chậm thanh toán tạo áp lực tài chính cho doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí sản xuất, phát sinh lãi suất tiền vay ngân hàng; giá cước vận chuyển tăng; hoạt động logistics đình trệ… đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức mới.

Ngoài ra, các mặt hàng nông sản còn gặp khó khăn trong rào cản kỹ thuật khiến việc xuất khẩu bị hạn chế. Cụ thể, đối với ngành hàng chè hiện nay, tiêu chuẩn hoạt chất Fipronil đối với thị trường Đài Loan, Châu Âu chưa đạt. Các đối tác trên đòi hỏi gần như tuyệt đối về dư lượng hóa chất trong sản phẩm nên doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu.

Ngành hàng mật ong xuất khẩu vào thị trường Mỹ hiện nay cũng đang bị kiện do chống bán phá giá nên trong năm 2021 doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng nào. Về ngành hàng chế biến gỗ, Mỹ và các nước EU đã áp dụng dự luật truy xuất nguồn gốc sản phẩm gỗ, chứng chỉ rừng và quản lý rừng bền vững (FSC-CoC ) nên nguồn gốc nguyên liệu gỗ trong nước khó đáp ứng các quy định này…

Trước những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nông sản, ngành Công thương đã kịp thời nắm bắt tham mưu tỉnh kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành Trung ương về giải pháp tháo gỡ.

Theo đó, các bộ, ngành chức năng cần có kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đối với các tỉnh ngay từ đầu năm để địa phương chủ động định hướng, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp có hướng sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp tình hình thực tế.

Thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm đảm bảo thông quan hàng hóa; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ thị trường trong nước và chế biến nông sản…

Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc, mới đây, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc. Trên cơ sở tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động điện đàm, gửi công hàm hoặc làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành của Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa nông sản trên nguyên tắc đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 giữa hai nước; giao Chủ tịch UBND các địa phương có cửa khẩu hiện đang ùn tắc chủ động thông báo cho các địa phương sản xuất nông sản lớn, hiệp hội doanh nghiệp không đưa xe lên các cửa khẩu hiện nay.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình để kịp thời để xem xét các phương án tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản nói riêng và xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh nói chung.

Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72144/thao-go-kho-khan-cho-cac-doanh-nghiep-xuat-khau-nong-san.html