Tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ vì thiếu vốn và thiếu mặt bằng. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ vì thiếu vốn và thiếu mặt bằng. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Thiếu vốn, thiếu mặt bằng

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 4-2020, thành phố đã làm mới và đưa vào sử dụng 338 km đường bộ (đạt 124% so với kế hoạch), xây dựng mới 68 cây cầu. Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng giải quyết nhu cầu đi lại của người dân như: đường Phạm Văn Ðồng, cầu Phú Hữu trên đường vành đai Ðông, hầm chui nút giao An Sương, hầm chui Mỹ Thủy... Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT thừa nhận, số công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành còn thiếu và yếu so với quy hoạch và nhu cầu phát triển của thành phố, việc huy động vốn đầu tư các công trình giao thông gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, vốn ngân sách cho phát triển giao thông chỉ đạt hơn 12.600 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 27% so với nhu cầu dự kiến. Tương tự, phần vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) chỉ gần 17 nghìn tỷ đồng, chỉ được 13% so với nhu cầu.

Vì thiếu vốn cho nên nhiều công trình trọng điểm không hoàn thành đúng tiến độ. Ðơn cử như dự án đường vành đai 2, theo Nghị quyết của HÐND thành phố phải khép kín trong năm 2020, nhưng đến nay vẫn dang dở. Trong khi với tốc độ tăng trưởng dân số cùng lưu lượng phương tiện như hiện nay, nếu không tập trung đầu tư hạ tầng giao thông thì dự báo khoảng năm 2025, năng lực trên các tuyến đường tại thành phố bị vượt mức đến 1,55 lần và càng cao hơn vào những năm sau đó. Ngoài ra, Sở GTVT cũng cho rằng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các dự án rất lớn, thường chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng mức đầu tư. Trong khi đầu việc này tốn rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Bình quân, thời gian thu hồi đất bàn giao mặt bằng để thi công tại các dự án trên địa bàn thành phố kéo dài (14 đến 18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài hai đến ba năm) dẫn đến không thể giải ngân vốn đầu tư, hệ lụy là các dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ.

Ðồng tình với những nguyên nhân mà Sở GTVT nêu ra, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HÐND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc chậm thực hiện các dự án giao thông trọng điểm còn do công tác chuẩn bị đầu tư chưa chu đáo, chưa chặt chẽ về mặt pháp lý, cũng như sự phối hợp của các đơn vị liên quan còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ, nhất là trong bồi thường, GPMB. Việc chọn và đề xuất danh mục dự án trọng điểm, chọn thứ tự ưu tiên thực hiện dự án còn chưa khoa học, vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Có tình trạng một số cơ quan, đơn vị chủ đầu tư đăng ký vốn chưa sát với thực tế. Số vốn đăng ký vượt khả năng thực hiện và giải ngân của dự án, phải đề xuất điều chỉnh giảm vốn để "đạt tỷ lệ giải ngân" theo yêu cầu.

Ðẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện Sở GTVT đang xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2030, trong đó có những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể xác định mức độ ưu tiên đầu tư các dự án cũng như dự báo tình hình nhằm định hướng, xây dựng các giải pháp... Các giải pháp thực hiện là nghiên cứu các cơ chế, chính sách để huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa). Ðồng thời, rà soát các cơ chế chính sách, thủ tục về đất đai liên quan đến bồi thường, GPMB, từ đó đề xuất giải pháp đẩy nhanh công đoạn này ở các dự án...

Ðể tháo gỡ "nút thắt" mặt bằng, nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, tại cuộc họp mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê bình các đơn vị liên quan chậm triển khai cơ chế, chính sách đặc thù trong GPMB mà Trung ương đã cho phép thành phố thí điểm. Ông Tuyến yêu cầu, hạn chót ngày 30-6-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phải hoàn thiện tờ trình tham mưu đề xuất để thực hiện cơ chế này. Lãnh đạo các quận, huyện phải tổ chức giao ban hằng tuần để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB. Theo ông Tuyến, đến ngày 9-6-2020, thành phố đã giải ngân được 9.482,916 tỷ đồng (đạt 22,75% kế hoạch vốn đã giao). Ðể đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, ông Tuyến yêu cầu các đơn vị liên quan đến ngày 30-6 giải ngân ít nhất 50% vốn, đến ngày 31-7 giải ngân thấp nhất 60%, đến ngày 15-10 giải ngân thấp nhất là 80%. Nếu đơn vị nào để kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ thì người đứng đầu phải xuống chức hoặc chuyển công tác đơn vị khác.

Bài và ảnh: VŨ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44867202-thao-go-kho-khan-cho-cac-du-an-giao-thong-trong-diem.html