Tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên
Trước các ý kiến đại biểu phản ánh về những khó khăn trong hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên sau sáp nhập tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình và đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới.
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Thông tư liên tịch số 39 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, các địa phương đã tiến hành sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm Kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên. “Sau sáp nhập, các trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện hai nhiệm vụ chuyên môn là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Việc sáp nhập các trung tâm này được xem là giải pháp để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, hiệu quả chưa được như kỳ vọng”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu cho biết, qua kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 cho thấy, hoạt động của các trung tâm này đang tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến vị trí pháp lý, cơ chế quản lý... Cụ thể, hiện nay việc xác định vị trí pháp lý và quản lý nhà nước đối với các trung tâm này chưa rõ ràng do sự tồn tại song song của hai thông tư cùng quy định về tổ chức và hoạt động. Đó là Thông tư liên tịch số 39 và Thông tư số 01 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các khó khăn, vướng mắc…
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết, theo quy định của Thông tư liên tịch số 39, các trung tâm này là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nên chỉ bó hẹp trong khuôn khổ biên chế đơn vị sự nghiệp tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời do không thuộc hệ thống giáo dục nên không được thụ hưởng các chính sách đầu tư của ngành giáo dục…
Còn Thông tư số 01 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại xác định vị trí pháp lý của các trung tâm này thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quy định này cơ bản giải quyết được khó khăn, vướng mắc về vị trí pháp lý và tổ chức hoạt động của các trung tâm. “Tuy nhiên, hiện nay các địa phương chưa triển khai thực hiện được Thông tư này. Việc Thông tư liên tịch số 39 chưa được bãi bỏ hoặc công bố hết hiệu lực đã dẫn đến các khó khăn chưa được tháo gỡ”, đại biểu nêu rõ.
Trong bối cảnh đất nước ta hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục đào tạo và xây dựng xã hội học tập, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, cần phải sớm tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên.
Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ phối hợp rà soát, bãi bỏ và công bố hết hiệu lực Thông tư liên tịch số 39. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01 quy định cụ thể về vị trí pháp lý đối với các trung tâm này theo hướng xác định Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, để tháo gỡ những khó khăn về biên chế, chế độ, chính sách cho các trung tâm và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục.
Ngoài ra, đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phản ánh, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề cấp huyện, các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề khác tại địa phương hiện nay không đủ sức hấp dẫn để thu hút học sinh tham gia học do cơ sở vật chất không được đầu tư đồng bộ, đội ngũ giáo viên cơ hữu không đảm bảo, trình độ sơ cấp và trung cấp nghề không có nhiều cơ hội kiếm được việc làm tốt... nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Giải trình nội dung này tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận thực tế khó khăn, vướng mắc hiện hữu của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Bộ trưởng cho biết, hiện nay cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, 526 trung tâm do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý.
“Tức là về vấn đề chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng. Trong các văn bản quy định hiện nay, có Thông tư 39 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số 01 để làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Nhưng tuy nhiên vẫn còn một số điểm vướng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để xử lý vấn đề liên quan đến Thông tư 39 như các đại biểu đề cập. Bên cạnh đó đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định 127 về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó xem xét trung Tâm Giáo dục thường xuyên- Giáo dục nghề nghiệp trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cuối tháng 11, Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc với tất cả giám đốc Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để trao đổi về các nội dung cần tháo gỡ./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=90725