Tháo gỡ khó khăn cho các vùng rau an toàn
Kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản an toàn Thủ đô năm 2019
(HNM) - Thời gian qua, năng suất, chất lượng và sản lượng rau an toàn của Hà Nội đã tăng rõ rệt. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún đã gây khó khăn trong công tác quản lý đầu vào và chất lượng sản phẩm; nông dân cũng gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giá thành chưa tương xứng với chi phí sản xuất...
Các vùng rau an toàn đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Ảnh: Quỳnh Dung
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có hơn 5.000ha rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm héc ta trồng rau hữu cơ. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn trung bình đạt 400-600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Ở các vùng trồng được che phủ ni lông, trồng trong nhà lưới hoặc trồng rau trái vụ có giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn trồng rau theo phương pháp truyền thống 10-20%.
Để quản lý chất lượng rau an toàn, hằng năm, Chi cục đều mở lớp tập huấn nâng cao trình độ cho người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc sinh học. Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học đạt khoảng 60%. Ngoài ra, mỗi năm, Chi cục đều lấy 300-1.000 mẫu rau xét nghiệm, kết quả, chỉ có khoảng 1-2% mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất rau an toàn còn gặp một số khó khăn. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Mặc dù thành phố có chính sách đầu tư hạ tầng cho các vùng rau an toàn tập trung nhưng chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư; quản lý sản xuất rau an toàn còn bất cập do số hộ trồng rau xanh quá lớn (hơn 200.000 hộ). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 7.000ha rau chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Không chỉ khó khăn ở khâu sản xuất, đầu ra cho sản phẩm cũng còn gian nan. Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Hà cho hay: Toàn huyện có tổng diện tích sản xuất 2.700ha, trong đó, 800ha sản xuất rau an toàn tập trung ở các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng, Bắc Hồng… với sản lượng 20.000 tấn rau an toàn/năm. Tuy nhiên, người dân mới tiêu thụ được khoảng 30% tại các cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể… Số còn lại bán qua thương lái hoặc chợ đầu mối với giá như rau thường.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng thành phố vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, duy trì 5.100ha trồng rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm; đồng thời, phát triển thêm 3.000-4.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bảo đảm 100% sản phẩm rau xanh được truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm... Để đạt mục tiêu này, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thời gian tới, Chi cục tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Che phủ
ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ, sử dụng bẫy dẫn dụ côn trùng; phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến từng hộ gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng đúng cách, đúng thời gian cách ly để sản phẩm bảo đảm chất lượng khi đưa ra thị trường.
Ở góc độ của người sản xuất, theo ông Hoàng Văn Khảm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), để các vùng rau an toàn phát triển ổn định, các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội như: Chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ tiền thuê cửa hàng rau an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân… nhằm đẩy mạnh khâu tiêu thụ.