Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA
Xuất khẩu thủy sản sang EU đã đạt những kết quả tích cực từ đầu năm nay. Điều đó thể hiện sự nỗ lực và linh hoạt của doanh nghiệp thủy sản thời gian qua để ổn định sản xuất, duy trì nguồn cung và tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2021 đang có nguy cơ bị chững lại.
Việc duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm hiện nay là rất quan trọng. Tại Đề án phát triển xuất nhập khẩu bền vững để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã đề xuất xem xét bố trí ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp và trong các ngành thương mại, dịch vụ.
Vào cuối tháng 6/2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các ngành hàng có đóng góp quan trọng cho xuất khẩu như dệt may, da giầy, thủy sản...”.
Xuất khẩu thủy sản sang EU đã đạt những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021. (Ảnh minh họa)
Đồng thời, Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Do tác động của dịch Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Công Thương đã chủ động chuyển nhiều hoạt động hội thảo, tập huấn về cơ hội mở cửa thị trường, quy tắc xuất xứ từ EVFTA theo hình thức trực tuyến.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị theo dõi việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc.
Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường còn dư địa phát triển như các thị trường Đông Âu, Bắc Âu…
Các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu tăng cường công tác thông tin thị trường, kịp thời cung cấp thông tin về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, các rủi ro của thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba… để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Ngoài ra, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại trên thị trường ngoài nước; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại; khởi kiện các biện pháp phòng vệ, bảo hộ bất hợp lý ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Bên cạnh đó, Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng cần chú trọng triển khai một số việc để phát triển thị trường xuất khẩu, tận dung cơ hội từ EVFTA.
Cụ thể, tích cực, chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin về EVFTA và đặc biệt là các cam kết liên quan đến ngành hàng thủy sản để tận dụng triệt để các cơ hội và hạn chế các thách thức, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.
Xây dựng Kế hoạch phát triển thị trường của doanh nghiệp cho từng sản phẩm vào thị trường EU, đảm bảo phát huy lợi thế và thực thi hiệu quả cam kết EVFTA.
Phối hợp với Tham tán thương mại Việt Nam ở thị trường EU trong tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hình thành đại diện của doanh nghiệp, hiệp hội ở các thị trường lớn khu vực EU; tham gia trực tiếp vào kênh phân phối hàng thủy sản tại thị trường EU.
Đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng. Tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử... để nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu năm 2021, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu tới 25/27 thị trường thuộc EU với tổng lượng xuất khẩu đạt 104,3 nghìn tấn, trị giá 485,3 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 20% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ và Pháp là những thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khối thị trường này.