Tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ tổ viên đặc công
Những năm qua, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Kết quả đó là công sức của tập thể cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn, trong đó có đóng góp quan trọng của các tổ viên đặc công. Tuy nhiên, do đặc thù nhiệm vụ, đội ngũ tổ viên đặc công đã và đang gặp một số khó khăn, vướng mắc...
Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ
Lữ đoàn Đặc công bộ 113 là đơn vị cơ động của bộ có nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ theo các phương án, đặc biệt là phương án A2, chống khủng bố (CKB)... Đội ngũ tổ viên đặc công CKB và tổ viên đặc công bộ là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ của lữ đoàn. Mới đây, có dịp chứng kiến một buổi huấn luyện kỹ thuật tác chiến khu nhà cao tầng để giải cứu con tin của các tổ viên đặc công CKB, chúng tôi thực sự cảm phục lòng dũng cảm, trình độ, kỹ năng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của các anh. Chỉ với bộ dây leo chuyên dụng, các tổ viên đặc công CKB đã có thể thực hiện động tác leo tường, đổ treo, tụt dây chiến thuật rất nhanh và chuẩn xác... Từ trên tầng thượng, chỉ chưa đầy chục giây, các tổ viên đặc công CKB đã đổ treo, tụt dây chiến thuật tiếp cận, khống chế thành công đối tượng “khủng bố” trong những căn phòng của tòa nhà cao tầng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...
Thượng tá Trần Đức Tuấn, Phó chính ủy Lữ đoàn Đặc công bộ 113 cho biết, để các tổ viên đặc công có sức khỏe dẻo dai, trình độ, kỹ năng tác chiến tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đơn vị đã tập trung làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, xây dựng ý chí quyết tâm cho các tổ viên đặc công. Đặc biệt, lữ đoàn chú trọng huấn luyện kỹ, chiến thuật chiến đấu đặc công; kỹ, chiến thuật CKB giải thoát con tin sát với yêu cầu nhiệm vụ và địa bàn; có nhiều giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng huấn luyện võ chiến đấu đặc công, bắn súng, nhảy dù, đổ bộ đường không...; bảo đảm các tổ viên đặc công nắm chắc các nội dung chiến thuật, hành động hiệp đồng chiến đấu linh hoạt.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng huấn luyện, SSCĐ của Lữ đoàn Đặc công bộ 113 không ngừng được nâng cao. Đội ngũ tổ viên đặc công của lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần vượt khó, tích cực khổ luyện để có sức khỏe, kỹ năng, trình độ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Còn đó những tâm tư...
Thượng úy QNCN Trịnh Hữu Vẽ (Mũi 3, Đội 12, Lữ đoàn Đặc công bộ 113) “bén duyên” với “nghề” tổ viên đặc công CKB từ năm 2005. Hơn 16 năm trong nghề là quãng thời gian đầy vất vả nhưng bù lại, giúp anh có được bản lĩnh, tinh thần vượt mọi khó khăn. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy QNCN Trịnh Hữu Vẽ không giấu được tự hào khi nói về đội ngũ những tổ viên đặc công ở đơn vị-lực lượng được huấn luyện đặc biệt tinh nhuệ, mà anh là một thành viên. “Tuy vậy, theo quy định, khi đủ 40 tuổi là các tổ viên đặc công đến tuổi... nghỉ hưu. Về hưu khi còn khá trẻ với đồng lương hưu ít ỏi cũng như rất khó xin việc để làm thêm, trong khi lại là trụ cột gia đình, khiến anh em ít nhiều tâm tư, trăn trở. Tôi muốn tiếp tục được công tác theo nguyện vọng hoặc được đơn vị tạo điều kiện sắp xếp bố trí công việc phù hợp khi hết tuổi phục vụ tổ viên đặc công...”, Thượng úy QNCN Trịnh Hữu Vẽ bày tỏ. Đây cũng là mong muốn, nguyện vọng của nhiều tổ viên đặc công đang công tác tại Lữ đoàn Đặc công bộ 113 mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, trao đổi.
Do đặc thù nhiệm vụ đòi hỏi sức khỏe, sự nhanh nhẹn, bền bỉ, dẻo dai để đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ cường độ cao, thậm chí nguy hiểm nên hiện nay, theo quy định, tổ viên đặc công đủ 40 tuổi (có đủ 15 năm làm tổ viên đặc công, 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội) thì nghỉ hưu hoặc chuyển sang làm công việc khác phù hợp. Đây là quy định cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho tổ viên đặc công cũng như bảo đảm khả năng chiến đấu, tuy nhiên cũng nảy sinh những bất cập như chia sẻ của Thượng úy QNCN Trịnh Hữu Vẽ. Mặc dù Binh chủng Đặc công cũng như Lữ đoàn Đặc công bộ 113 rất quan tâm nhưng việc chuyển sang công việc khác đối với tổ viên đặc công hết tuổi là rất khó khăn vì tinh giản biên chế cũng như do chuyên ngành đào tạo tổ viên đặc công đặc thù, rất khó bố trí công việc phù hợp.
Theo Thượng tá Trần Đức Tuấn, thời gian qua đã có một vài trường hợp tổ viên đặc công ở đơn vị hết tuổi theo quy định, có nguyện vọng tiếp tục công tác đã được kéo dài, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bên cạnh việc cấp trên quan tâm tạo điều kiện chuyển công việc khác phù hợp cho các tổ viên đặc công hết tuổi, một hướng tháo gỡ khó khăn là đơn vị, địa phương phải tăng cường liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp an ninh, bảo vệ... để tiếp nhận tổ viên đặc công vào làm việc sau khi về nghỉ hưu. “Chúng tôi xác định phải quan tâm làm tốt việc này bởi nếu giải quyết không tốt không chỉ ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của anh em mà còn ảnh hưởng đến việc tuyển đầu vào tổ viên đặc công", Thượng tá Trần Đức Tuấn khẳng định.