Tháo gỡ khó khăn cho nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao
Hầu hết các ý kiến trong diễn đàn đều tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, cũng như tháo gỡ những khó khăn khi tiếp cận với công nghệ cao.
Sáng ngày 13/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) chủ trì tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V với chủ đề: "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà" nhằm phát triển một nền nông nghiệp đạt được cả "3 cao": Năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao.
Vốn cho vay dư thừa, nông dân vẫn khó tiếp cận
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, vốn cho nông nghiệp công nghệ cao có nhiều đặc thù riêng. NHNN cũng đã ban hành riêng một quyết định chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Tại diễn đàn, bà Trần Thị Thanh Thoan ở thôn Đô Quan, xã Mộc Quan, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) băn khoăn, làm thế nào để các tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lồng .. trở thành tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Bà Tùng nhấn mạnh, Nghị định 116 cho phép các doanh nghiệp, nông dân được sử dụng các tài sản đầu tư từ vốn vay thế chấp vay vốn ngân hàng.
“Tuy nhiên, tài sản này phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của địa phương, từ đó làm đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn. Đây cũng là vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực công nghệ cao”, bà Tùng giải thích.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Agribank nói: Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác, tính đến tháng 10/2020, vốn cho vay dư thừa rất nhiều. Agribank đang nỗ lực cho vay đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao thông qua chương trình cho vay ưu đãi 100.000 tỷ đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Còn nhiều điểm yếu trong các sản phẩm nông nghiệp
Theo GS.TS Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN, thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều điểm yếu "cốt lõi" trong hầu hết các sản phẩm của Việt Nam.
Ông Bình phân tích, đối với sản phẩm nông nghiệp: điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam là khâu thu hoạch, chế biến đa dạng hóa sản phẩm. Dù tự hào đứng đầu thế giới về nhiều loại nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, tôm, cá các loại trong nhiều năm nhưng bài toán về giá vẫn rất nan giải.
Việt Nam là nước có điều kiện thiên nhiên ưu đãi và có nhiều mặt hàng nông sản được người nước ngoài ưa chuộng nhưng những năm trước đây các doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất thật nhiều mà chưa quan tâm đến việc sản phẩm làm ra bán cho thị trường nào, bao bì mẫu mã ra sao nên những ưu điểm đó đã không thể phát huy được, các doanh nghiệp không thể tập trung diện tích đất lớn để ứng dụng khoa học công nghệ toàn diện, đạt năng suất, hiệu quả cao nhất.
Ông Bình dẫn chứng, nhiều địa phương nhờ áp dụng KH&CN vào nông nghiệp đã cho năng suất và chất lượng cao, cải thiện rõ rệt.
Ví dụ, trước kia giống nhãn Miền Thiết (Sơn La) được trồng rất nhiều trong miền Nam, nhưng đã được chuyển dịch ra trồng tại tỉnh Sơn La; giống Nhãn Hưng Yên đã được di thực và đang phát triển ở quy mô rộng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Mỹ…Hay tại Ninh Thuận với việc phát triển sản phẩm cừu. Đây là loài vật nuôi mang tính đặc trưng của tỉnh do điều kiện có quá nhiều vùng khô hạn, Cừu đã được du nhập và phát triển trên địa bàn từ khá lâu.
Ông Xuân Bình kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống các cơ chế, chính sách KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tập trung đầu tư, hỗ trợ chính sách KH&CN đối với một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, mang lại hiệu quả cao thông qua các hoạt động như: xây dựng trang trại thông minh, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, công tác dồn điền đổi thửa trong nông nghiệp; sáp nhập, hợp tác liên kết, liên doanh trong phát triển các sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp...
Ông Bình cũng kiến nghị cần đẩy mạnh việc bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù, thế mạnh, chủ lực của địa phương, giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, thành lập doanh nghiệp KH&CN, liên kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.