Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư các công trình lĩnh vực nông nghiệp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn đọng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.
Chiều 12/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của UBND tỉnh về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án).
Năm 2024, Ban Quản lý Dự án được giao chuẩn bị đầu tư, thực hiện, quyết toán 42 dự án, trong đó có 40 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, 2 dự án nhận ủy thác từ Sở NN&PTNT (xử lý tồn tại và quyết toán). Tổng số vốn đơn vị được giao trong năm 2024 đến nay là 998,854 tỷ đồng. Đến đầu tháng 8/2024, Ban Quản lý Dự án đã thực hiện giải ngân 366,266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 40%. Kế hoạch giải ngân nguồn vốn của đơn vị đến 30/9 đạt 60%, đến 31/1/2025 đạt 99%.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án, đơn vị đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh (Dự án FMCR) do chưa có hướng dẫn chi tiết hoạt động bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, đối với một số dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương do tỉnh quản lý, quá trình tổ chức khảo sát, nghiên cứu, tính toán, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu khả thi phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất. Đối với các chương trình nước sạch từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các địa phương chậm ban hành nghị quyết vốn đối ứng; thời gian phê duyệt kéo dài dẫn đến chậm tiến độ.
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Dự án đề xuất điều chuyển nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh (7,1 tỷ đồng) của Dự án FMCR tỉnh Hà Tĩnh; đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt hồ sơ, thủ tục; quy hoạch mặt bằng xây dựng; phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu kỹ thuật… để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo; cho phép tạm dừng thực hiện dự án nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (nguồn vốn từ dự án sử dụng nguồn đền bù Formosa) do tổng mức đầu tư không khả thi…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, thời gian qua, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp tốt với các sở, ngành trong việc thu hút nguồn lực và triển khai thực hiện các dự án. Trong công tác giải ngân nguồn vốn, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song đơn vị đã chủ động triển khai các giải pháp, có sự đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ. Tuy vậy, kết quả tỷ lệ giải ngân của đơn vị đến nay chưa đạt yêu cầu; trong đó có một số công trình đặc biệt khó khăn, tỷ lệ giải ngân rất thấp, phải điều chuyển vốn. Bên cạnh một số dự án chậm tiến độ giải ngân do nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố chủ quan như việc lập dự án, thẩm định dự án, công tác phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng phân tích thêm một số nguyên nhân chậm tiến độ của từng nhóm dự án cụ thể; đồng thời yêu cầu Ban Quản lý Dự án tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn đọng, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ chung. Về các đề xuất, đơn vị cần có văn bản cụ thể để UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, hỗ trợ trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành liên quan tập trung phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý Dự án tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng; Tổ công tác số 1 của UBND tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật tiến độ thực hiện của Ban Quản lý Dự án và các đơn vị, địa phương khác được giao nhiệm vụ kiểm tra để đôn đốc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những vướng mắc phát sinh.