Kỳ 3: Tháo gỡ khó khăn, ngành Xi măng hướng tới Net Zero

Khó khăn chồng chất, ngành Xi măng cần được tháo gỡ nút thắt về cơ chế chính sách, hỗ trợ tạo lập thị trường chất thải bền vững, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể cho các nhà máy xi măng khi sử dụng nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng nguyên vật liệu thay thế là phế thải của ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ vật liệu nói chung và xi măng nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ vật liệu nói chung và xi măng nói riêng.

Cần tạo lập thị trường chất thải bền vững

Thời gian tới, VICEM Bút Sơn đẩy mạnh triển khai với mục tiêu đạt tỷ lệ thay thế nhiệt lên đến 40-50%, sử dụng chất thải đa dạng, nâng cao tỷ lệ sử dụng bùn thải kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại, đẩy mạnh sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo.

Hiện nay, đồng xử lý tại INSEE đạt hơn 40%; nhưng ngành Xi măng ở nhiều quốc gia châu Âu đã đạt tỷ lệ đồng xử lý trung bình trên 75%. Như vậy, với những nhà máy đạt tỷ lệ đồng xử lý 30 - 40% vẫn còn dư địa tăng. Với nhiều nhà máy chưa thực hiện đồng xử lý thì tiềm năng còn rất lớn.

Tuy nhiên, để giải quyết các nút thắt, giúp ngành Xi măng phát triển xanh, bền vững, giảm tiêu hao năng lượng, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của doanh nghiệp để hoạt động đồng xử lý được triển khai thuận lợi hơn.

Đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đề xuất: Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành đối với việc đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng như: Tại khoản 15 Điều 3 của Nghị định 40/2019-NĐ-CP quy định: Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh. VICEM kiến nghị bổ sung các đơn vị sản xuất xi măng nói chung, VICEM nói riêng thuộc quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh để được tham gia đồng xử lý chất thải. Đồng thời, sửa đổi quy chuẩn QCVN 41:2011/BTNMT cho phép các đơn vị sản xuất xi măng được xử lý chất thải công nghiệp thông thường và đồng xử lý chất thải nguy hại. Nhà nước sẽ kiểm soát mức độ phát thải của nhà máy theo quy định.

Tại Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Chỉ thị số 98/CT-TTg về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng không có quy định hỗ trợ chi phí xử lý chất thải trong sản xuất xi măng. VICEM đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể cho chi phí xử lý từng loại chất thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo... để thu hút, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn phát thải. Từng bước thí điểm xây dựng thị trường chất thải, dán nhãn nhận diện xi măng xanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành Vật liệu xây dựng nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành Vật liệu xây dựng nhanh và bền vững.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp xi măng kiến nghị: Cần khẩn trương ban hành quy định, hướng dẫn để các nhà máy xi măng thực hiện kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính. Đồng thời, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất xi măng. Tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách khuyến khích về thuế, tài chính cho nhà máy sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế. Tạo điều kiện để việc vận chuyển, tái sử dụng các chất thải, rác thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế được thuận tiện.

Với những nhà máy muốn mở rộng sản xuất, ông Eamon John Ginley, Tổng Giám đốc INSEE đề xuất Chính phủ xem xét hoạt động đồng xử lý được công nhận là một trong những giải pháp đáp ứng cho EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và xem xét xử phạt với các công ty không tuân thủ trách nhiệm này. Thực thi EPR một cách nghiêm chỉnh sẽ giúp tạo ra một thị trường chất thải khả thi.

“Ngành Xi măng cần được Chính phủ, xã hội quan tâm hơn nữa bằng cách hỗ trợ tạo lập thị trường chất thải bền vững, góp phần tạo ra thị trường chất thải khả thi để các lò nung xi măng tham gia và cho phép một lượng lớn chất thải được đồng xử lý một cách có trách nhiệm” - ông Eamon John Ginley nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, xã hội… cần ưu tiên sử dụng các loại xi măng xanh có hàm lượng phát thải carbon thấp (với hệ số clinker thấp, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ). Hiện nay, các dự án cơ sở hạ tầng không nên chỉ ưu tiên sử dụng xi măng OPC (với hệ số clinker cao) vốn tiêu thụ năng lượng nhiều hơn xi măng xanh.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn

PGS.TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng; sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clinker xi măng.

“Hiện nhiều nhà máy mạnh dạn đầu tư nhưng chưa được hưởng cơ chế ưu đãi cụ thể. Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành chính sách ưu đãi cụ thể cho các nhà máy xi măng khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng các nguyên vật liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo. Đồng thời, quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ nguồn thải về chi trả chi phí vận chuyển và xử lý rác, tro xỉ, thạch cao… để làm nhiên nguyên liệu trong sản xuất xi măng” – PGS.TS Lê Trung Thành khẳng định.

VICEM Hà Tiên có 13 sản phẩm được Hội đồng Công trình Xanh Singapore cấp chứng nhận Nhãn xanh.

VICEM Hà Tiên có 13 sản phẩm được Hội đồng Công trình Xanh Singapore cấp chứng nhận Nhãn xanh.

Mới đây nhất, ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo rà soát cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành Vật liệu xây dựng nhanh và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ban hành chính sách ưu đãi về sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải một số ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao… làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và các vật liệu xây dựng khác.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đôn đốc các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư hệ thống phát điện nhiệt dư và sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải, sử dụng nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao.

Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về chi trả phí vận chuyển và xử lý rác thải, tro xỉ, thạch cao để làm nhiên liệu, nguyên liệu trong sản xuất xi măng; hướng dẫn thủ tục đăng ký thực hiện đồng xử lý, tái xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế trong các nhà máy sản xuất xi măng đảm bảo thuận tiện, dễ thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp xi măng đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện; áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nguyên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất.

Ngành Xi măng hướng tới Net Zero

Nghiên cứu của Global Cement Review cho thấy, ngành Xây dựng chiếm 11% lượng phát thải CO2 do con người tạo ra. Trong đó, lượng phát thải CO2 do sản xuất xi măng trên toàn cầu chiếm tới 7%, nhiều hơn cả ngành Hàng không, vận tải biển và vận tải đường dài cộng lại. Đây là thách thức lớn với ngành Xi măng trong yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, hạn chế tối đa tác động nguy hại đến môi trường. Giảm phát thải - một bước tiến quan trọng đối với ngành sản xuất xi măng, là mục tiêu để ngành hướng đến, với quyết tâm giảm 8% phát thải CO2 so với mức hiện tại, vào năm 2030.

Điều tất yếu hướng tới của ngành Xi măng là xanh hóa sản phẩm xi măng, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, đưa các nhà máy xi măng thành các cơ sở đồng xử lý chất thải, giảm phát thải CO2…

Các doanh nghiệp xi măng thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon.

Các doanh nghiệp xi măng thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon.

Ông Đào Nguyên Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển bền vững và Truyền thông doanh nghiệp của Công ty INSEE Việt Nam cho rằng: Để ngành Xi măng hướng tới Net Zero, việc đầu tiên mỗi công ty xi măng phải biết chính xác mình đang phát thải bao nhiêu khí nhà kính, từ đó đề ra mục tiêu cụ thể và thực tế theo từng giai đoạn. Việc kiểm toán khí nhà kính sẽ giúp cơ quan quản lý ngành Xi măng đưa ra mục tiêu và chương trình hỗ trợ kịp thời giúp ngành Xi măng giảm phát thải khí nhà kính.

Tiếp đến, ngành Xi măng cần tập trung đẩy mạnh các biện pháp giảm phát thải và làm được ngay, đó là: Sản xuất xi măng có hệ số clinker thấp (cần người mua, chủ đầu tư ưu tiên sử dụng các dòng sản phẩm này thay vì xi măng OPC); Tăng cường hỗ trợ tạo lập thị trường chất thải để các nhà máy xi măng nâng cao tỷ lệ đồng xử lý; Các giải pháp khác liên quan đến quản trị năng lượng hiệu quả trong tổ chức cũng như hệ thống Waste Heat Recovery (thu hồi nhiệt thải), hoặc lắp đặt điện mặt trời...

Hiện tại, trên thế giới, một số quốc gia đã đi xa hơn, họ đặt mục tiêu cụ thể, có thể kể đến Thụy Điển với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có một dự án CCS (Carbon Capture and Storage - thu giữ và lưu trữ carbon) đi vào hoạt động, ước tính sẽ nhốt 1,8 triệu tấn CO2 hằng năm. Nhà máy xi măng trung hòa khí hậu đầu tiên trên thế giới phạm vi 1- 3 sẽ đi vào hoạt động tại Gotland, nơi tạo ra một bể chứa carbon hơn 300.000 tấn carbon dioxide. Bước đầu tiên trên toàn cầu đang thực hiện hướng tới sản xuất xi măng trung hòa khí hậu.

Tất cả các sản phẩm xi măng của INSEE đều được chứng nhận Tuyên bố sản phẩm môi trường EPD để xác nhận độc lập và minh bạch mức CO2 thấp.

Tất cả các sản phẩm xi măng của INSEE đều được chứng nhận Tuyên bố sản phẩm môi trường EPD để xác nhận độc lập và minh bạch mức CO2 thấp.

Đồng quan điểm với ông Khánh, PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng: Ngành Xi măng cần mở rộng nghiên cứu, sản xuất xi măng carbon thấp và tham gia quá trình chuyển đổi xây dựng không carbon. Đồng thời, nghiên cứu, khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng sạch, ví dụ như năng lượng mặt trời. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ về thu giữ và sử dụng carbon tạo nguồn năng lượng tái tạo tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất xi măng.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, khó khăn của ngành Xi măng được tháo gỡ, để ngành tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là “bánh mỳ” của ngành Xây dựng góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước; ngành Xi măng sẽ phát triển xanh, bền vững, sản xuất không phát thải, hướng tới Net Zero, phát triển kinh tế tuần hoàn trong tương lai.

Vũ Huyền

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ky-3-thao-go-kho-khan-nganh-xi-mang-huong-toi-net-zero-385042.html