Tháo gỡ khó khăn, phục hồi nền nông nghiệp sau đại dịch (Bài 2)
Những ngày xảy ra đại dịch Covid-19, bên cạnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch thì việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân là rất quan trọng. Nông sản là 'nguồn sống' để người dân không bị thiếu ăn, yên tâm ở nhà phòng dịch. Thế nhưng, đại dịch đã làm thiệt hại kinh tế rất lớn cho nhà nông. Điều này đặt ra câu hỏi, Long An cần có giải pháp nào để phục hồi ngành Nông nghiệp sau đại dịch Covid-19 và thích ứng với tình hình mới hiện nay?
Bài 2: Nguy cơ gặp nhiều khó khăn sau đại dịch
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống, một số ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động cùng với những bất lợi trong việc tiêu thụ, vận chuyển nông sản,...
Điệp khúc “giải cứu” nông sản
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, những câu chuyện buồn về “giải cứu” nông sản như thanh long, chanh, tôm,... liên tục xuất hiện trên các mặt báo và được nhắc đến nhiều lần trong các cuộc họp của các cấp, các ngành. Phải chăng đã đến lúc cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, chính việc sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu tập trung của nông dân đã dẫn đến việc bị động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản để khi phải rơi vào tình huống “giải cứu” nông sản thì mới nhận thức được tầm quan trọng của nhiều vấn đề mà trước đây các cấp, các ngành luôn khuyến cáo.
Ông Nguyễn Văn Lượm (ấp 6, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Gia đình tôi trồng 1ha chanh không hạt nhưng đến lúc thu hoạch lại không có thương lái đến mua vì thực hiện giãn cách, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Trước đây, gia đình chỉ bán chanh cho thương lái, ai mua giá cao thì bán, không có liên kết bao tiêu đầu ra. Không bán được, số chanh này gia đình đem cho từ thiện”.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có gần 11.000ha chanh, trong đó diện tích cho trái trên 8.000ha, sản lượng thu hoạch 9 tháng năm 2021 ước đạt 113.808 tấn. Giá chanh có hạt từ 3.000-11.000 đồng/kg, giảm 3.000-11.000 đồng/kg; chanh không hạt từ 2.000-14.000 đồng/kg, giảm 8.000-9.000 đồng/kg so cùng kỳ. Tuy nhiên, những người bán được chanh chủ yếu tham gia hợp tác xã (HTX), còn nông dân ngoài HTX hầu như không bán được.
Trước những lời “kêu cứu” của nông dân, các cấp, các ngành nhanh chóng vào cuộc. Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện cho thương lái thu mua, vận chuyển; còn Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho nông dân tham gia các sàn giao dịch điện tử, liên kết với các công ty, doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết hết số nông sản tồn đọng.
Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Thạnh - Phạm Trọng Cường thông tin: “Theo khảo sát, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, có trên 300 tấn ếch đến giai đoạn thu hoạch bị tồn ứ. Được biết, trước đây, nông dân nuôi ếch chủ yếu bán cho thương lái ở các chợ truyền thống. Do đó, khi chợ truyền thống đóng cửa, ếch không tiêu thụ được.
Trước tình hình này, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện báo cáo Sở Công Thương, từ đó Sở Công Thương làm đầu mối cho Công ty TNHH San Hà thu mua 600kg ếch/ngày. Tuy nhiên, thu mua được vài ngày thì Cty TNHH San Hà ngưng nên số ếch tồn đọng rất nhiều”.
Ngành nông nghiệp có nguy cơ trì trệ
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến một số loại nông sản không xuất khẩu được dẫn đến giá giảm mạnh như thanh long ruột trắng chỉ còn 2.000-10.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), thanh long ruột đỏ từ 3.000-25.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg); heo hơi từ 54.000-87.000 đồng/kg (giảm từ 13.000-17.000 đồng/kg); tôm thẻ chân trắng cỡ 60-70 con/kg từ 90.000-120.000 đồng/kg (giảm từ 15.000-30.000 đồng/kg),...
Chính việc giá cả không ổn định nên nông dân rất ngại tái sản xuất. Điều này sẽ làm nguy cơ các chuỗi cung ứng thực phẩm bị thiếu, gián đoạn hoặc sốt giá, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Anh Võ Thành Vũ (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Sau khi thu hoạch 0,6ha tôm thẻ trong đợt dịch vừa qua, gia đình tôi thua lỗ gần 100 triệu đồng. Nguyên nhân là giá tôm thấp, chỉ 65.000 đồng/kg (loại 60-70 con/kg), thương lái lại thu mua chậm, chia làm nhiều đợt do không có thị trường để tiêu thụ. Hiện giá tôm tăng dần nhưng vẫn còn ở mức thấp, gia đình tôi chưa dám thả nuôi vụ mới”.
Giám đốc HTX Rau an toàn HTX Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy cho biết: “Thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, HTX thu mua rau của các thành viên nhưng chỉ mang tính hỗ trợ. Hiện nay, một số thành viên HTX ngại xuống giống vụ mới do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không có nơi tiêu thụ. Đây là vấn đề HTX lo ngại bởi có nguy cơ không đủ nguồn cung khi dịch bệnh được khống chế, các địa phương mở cửa hoạt động lại. Giờ đây, HTX phải vận động thành viên gieo vụ rau mới”.
Ngành Nông nghiệp được xem là một trong những thế mạnh của tỉnh trong thời gian qua, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm ở mức cao, nhưng sau đại dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền nhận định: “Khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngành Nông nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cụ thể, nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất bị gián đoạn, vấn đề tiêu thụ, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nông dân sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu liên kết, thiếu tính bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch chưa nhiều; nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không đúng với khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, mang tính tự phát, không theo quy luật của thị trường,...”.
Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải có những giải pháp căn cơ, góp phần thay đổi nhận thức nông dân và hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững./.