Tháo gỡ khó khăn, tạo đà tăng trưởng bền vững

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đạt được một số kết quả tích cực, trong đó, vốn đăng ký thu hút FDI tăng gấp 4,8 lần, một số chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số xanh được cải thiện ở nhóm đầu của cả nước. Nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch 6 tháng cuối năm, các đại biểu tìm giải pháp cùng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng bền vững. Nội dung này được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ Mười hai, HĐND tỉnh khóa XIX.

Vốn đăng ký thu hút FDI tăng gấp 4,8 lần

Tại Kỳ họp, các đại biểu ghi nhận và đánh giá vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 do UBND tỉnh trình bày. Theo đó, Bắc Ninh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như vốn đăng ký thu hút FDI tăng gấp 4,8 lần; khu vực dịch vụ là 12.875 tỷ đồng, tăng 5,44%; hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển mạnh; bán lẻ dịch vụ hàng hóa tăng 21%; điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3%... Đây là những điểm sáng cần tiếp tục phát huy, đồng thời cũng là động lực để tỉnh nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Khánh Duy

Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Khánh Duy

Tuy nhiên, các đại biểu nhìn nhận rằng, còn không ít hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 1.975 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng là 39.431 tỷ đồng; thuế sản phẩm là 2.439 tỷ đồng, dẫn đến tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 56.720 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 2022.

Một số chỉ tiêu không đạt như kỳ vọng là do ngay từ đầu năm, khi bước vào thực hiện kế hoạch năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh là tỉnh có hội nhập kinh tế sâu rộng; các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thương hiệu chiếm tỷ trọng lớn; sức ép về lạm phát, lãi suất còn cao, chi phí đầu vào ở mức cao, biên độ lợi nhuận thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế; số lượng và quy mô đơn hàng giảm dẫn đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm.

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn

Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh: những nội dung HĐND tỉnh sẽ xem xét tại kỳ họp hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay; các đại biểu cần nâng cao trách nhiệm, bày tỏ rõ quan điểm, thẳng thắn, trung thực, đánh giá toàn diện tình hình, cả khách quan và chủ quan nhằm đề xuất các giải pháp khả thi, hữu hiệu trong ngắn hạn và dài hạn, sát với tình hình thực tiễn, để bù đắp những hạn chế, thiếu hụt; nhằm khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại nền kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo đà tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho tỉnh những năm tiếp theo.

Đại biểu Vũ Thị Phương Thảo (tổ đại biểu TP. Bắc Ninh) có ý kiến về việc lập quy hoạch tỉnh - vấn đề đang nhận được sự quan tâm đông đảo của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân. Toàn quốc hiện có 9 Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt và 25 Quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó, Bắc Ninh đang ở bước này). Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đã được Hội đồng thẩm định Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất thông qua, với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung. Đến nay, tỉnh đã tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quy hoạch tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đại biểu Thảo đề nghị HĐND tỉnh xem xét kỹ lưỡng, thông qua Quy hoạch tỉnh tại kỳ họp này, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp, hiệu quả, chất lượng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023.

Đại biểu Lê Xuân Me (Tổ đại biểu TP. Bắc Ninh) phản ánh về những khó khăn trong triển khai thực hiện các quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến một số nhà máy, cửa hàng karaoke không thể đưa vào hoạt động. Đại biểu đề nghị, cần xem xét tháo gỡ những khó khăn này, để vừa bảo đảm an ninh, an toàn vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc... trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đánh giá tình hình thu, chi ngân sách thời gian qua và cho ý kiến về kế hoạch thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm; quy hoạch phát triển công nghiệp ở An Thịnh (Lương Tài); cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số tại cơ sở; phát triển văn hóa vùng miền gắn với đầu tư các công trình, xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ đời sống nhân dân; an toàn thực phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp đối với vùng thuần nông; hỗ trợ hạ tầng xây dựng nhà máy xử rác phát điện Lương Tài…

Phan Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/thao-go-kho-khan-tao-da-tang-truong-ben-vung-i335392/