Tháo gỡ khó khăn, tạo sức bật cho ngành du lịch
Chiều 1-4, Sở Du lịch TPHCM tổ chức 'Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp du lịch năm 2025'. Đây là dịp để một số doanh nghiệp 'trải lòng' chia sẻ những khó khăn, đồng thời khơi gợi những ý tưởng đột phá thu hút khách đến TPHCM trong thời gian tới.
Khách đường thủy nhộn nhịp nhưng thiếu bến bãi
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Les Rives (chuyên các dịch vụ tour du lịch đường sông và du thuyền tại TPHCM) cho biết hiện tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Khách trên tàu 2 tầng Saigon Water Go tham quan dọc sông Sài Gòn. Ảnh: TOẢN KIM
“Chưa bao giờ thành phố thiếu bến bãi đón khách đường thủy như hiện tại. Khoảng 10 năm trước TPHCM có 4 bến, nay chỉ còn 1 bến dùng chung với Saigon Waterbus, trong khi nhiều khách quốc tế đến đây cuối tuần. Thực tế đang có những cầu tàu sẵn như số 3, 4, Ba Son nhưng không khai thác được. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều nhưng chưa được hỗ trợ. Trong khi bến thủy tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng chưa được cấp phép trở lại”, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh chia sẻ.
Theo bà Hạnh, sông Sài Gòn rất đẹp với hệ sinh thái tiềm năng nhưng tình trạng thiếu cầu cảng, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo… đang là trở ngại trong việc thu hút du khách.
Cùng chung nỗi lo bến bãi đón khách, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương, góp ý: “Câu chuyện cầu cảng vẫn giậm chân tại chỗ từ nhiều năm nay. Chúng tôi muốn thúc đẩy ngành du lịch đường sông, đưa dòng khách quay trở lại tấp nập cả ngày lẫn đêm nhưng thiếu cầu cảng, khó đón khách. Mà điều này doanh nghiệp đâu thể tự quyết, việc xây cầu tàu phụ thuộc vào thành phố”.
Một số đơn vị dẫn chứng, tàu nhà hàng nổi Elisa bị ngân hàng đem đấu giá sắp tới phần nào liên quan đến tác động của dịch Covid-19 cũng như chi phí neo đậu lên tới vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhẩm tính, một năm trôi qua, chi phí này lên tới 2-3 tỷ đồng. Thiếu bến bãi, chi phí neo đậu cao… tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, bào mòn doanh nghiệp. Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, thành phố cứ hô hào du lịch đường sông là du lịch điểm, kinh tế chủ lực nhưng việc xây dựng bến bãi, cầu cảng thì lại chậm trễ.
Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Khối inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) Lữ hành Saigontourist đề xuất Chính phủ nên mở rộng miễn thị thực nhập cảnh với các thị trường tiềm năng như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Âu, New Zealand… Ông Lương Diệu Đông, Tổng Giám đốc khách sạn và căn hộ T-Ritz Saigon, đề xuất áp dụng việc tính phí tiền điện cho các cơ sở lưu trú theo mức của cơ sở sản xuất nhằm tạo điều kiện tiết giảm chi phí vận hành.
TPHCM dự kiến đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết đã đề xuất với UBND TPHCM đưa vào khai thác tạm các cầu cảng số 2, 3, 4, Ba Son… nhằm phục vụ du lịch đường sông. Sở cũng phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thí điểm mở cửa một số bảo tàng nhằm đón khách về đêm gắn với trình diễn áo dài, khai thác chuỗi sản phẩm kinh tế đêm.
Tiếp tục theo dõi những nội dung kiến nghị với Trung ương về miễn giảm thuế, phí, miễn thị thực nhập cảnh đối với du khách đến từ các thị trường tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp du lịch phát triển. “Hội nghị hôm nay hết sức ý nghĩa, giúp chúng tôi nắm bắt được tâm tư từng doanh nghiệp để cùng đồng hành tìm cách tháo gỡ khó khăn. Với những nội dung nằm ngoài lĩnh vực phụ trách của sở, chúng tôi sẽ chuyển lên cấp trên để tìm hướng tháo gỡ kịp thời”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa chia sẻ.
Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện tại sở đang khẩn trương chuẩn bị cho Ngày hội Du lịch TPHCM 2025 diễn ra vào ngày 3-4; rất mong các doanh nghiệp cùng đồng hành, chung tay hưởng ứng sự kiện để thu hút và chào đón người dân, du khách… Nhân dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 1-5, ngành du lịch TPHCM phối hợp với nhiều đơn vị đưa ra các chương trình điểm nhấn để thu hút khách đến. Trong đó có những tour, tuyến thú vị cả ngày lẫn đêm, trên bờ cũng như dưới nước… Song song đó là hoạt động quảng bá 50 điểm đến tiêu biểu thông qua các chùm ảnh, phim ngắn… góp phần làm bật dậy một TPHCM trẻ trung, thân thiện và ấn tượng. Một số đơn vị lữ hành tại TPHCM cho hay, khách từ các tỉnh thành cũng như quốc tế khá quan tâm tới các hoạt động trong tháng 4 này tại TPHCM. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Năm nay, ngành du lịch TPHCM đặt mục tiêu đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 40%), đón 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng doanh thu ước đạt 260.000 tỷ đồng (tăng 37%), đóng góp vào phát triển chung của TPHCM.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thao-go-kho-khan-tao-suc-bat-cho-nganh-du-lich-post788761.html