Mỹ áp thuế Việt Nam 46%: Nhóm ngành nào dễ bị tổn thương nhất?
Các doanh nghiệp Việt sẽ chịu ảnh hưởng nặng khi Mỹ áp thuế lên tới 46% hàng hóa xuất vào Mỹ. Theo đó, các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán cũng như tìm hướng xuất khẩu sang nước thứ ba để giảm thiệt hại lớn nhất về thuế.
Doanh nghiệp nào chịu ảnh hưởng?
Ngày 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%.
Trong báo cáo do VIS Rating công bố, khi Việt Nam bị áp thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương, nhất là công nghiệp sản xuất đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ.

Doanh nghiệp Việt chịu ảnh hưởng nặng nề khi Mỹ áp thuế lên tới 46%.
Các công ty đa quốc gia sản xuất đồ điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa lĩnh vực dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.
Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Trong số các nhà sản xuất hàng dệt may nội địa như, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ; TNG (TNG) doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ là 46%; Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ 35%; Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu sang Mỹ.
Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Thái - thành viên Hiệp hội Tư vấn thuế - cho biết, việc Tổng thống Trump áp thuế 46% đối với Việt Nam là mức rất cao, trong 3 nước bị đánh thuế cao nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Thái - thành viên Điều hành, Trưởng Dịch vụ tuân thủ thuế và ứng dụng công nghệ KPMG Việt Nam.
"Tôi hy vọng trong tương lai Chính phủ có hành động nhanh để đàm phán với Chính phủ Mỹ để làm sao có thể giảm thiểu các mức đối ứng của Mỹ cho hàng hóa tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình kinh tế Việt Nam cũng như nhà đầu tư nước ngoài cho thời gian sắp tới", ông Thái nói.
Theo ông Thái, Việt Nam thặng dư xuất khẩu sang Mỹ đến 123 tỷ USD, thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Ngoài các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Mỹ còn có các doanh nghiệp FDI. Mức thuế 46% ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng đó. Điều này sẽ tác động tiêu cực và phản ứng ngược liên quan đến các đơn hàng Việt Nam sẽ xuất khẩu ra sang Mỹ.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự so sánh khi họ muốn xác định Việt Nam đã là điểm tới nhưng với mức thuế quan như vậy sẽ không còn hấp dẫn. Ví dụ như Thái Lan, Philippines, Malaysia chịu mức thuế thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Chính vì thế, nó mới tạo ra sự cân nhắc của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Thái cho biết, để ứng phó với mức thuế mới, doanh nghiệp phải đàm phán lại để hài hòa lợi ích giữa các bên. Doanh nghiệp phải thay đổi lộ trình, thay vì xuất 100% sang Mỹ thì sẽ đi qua nước thứ ba mà nước đó có mức thuế quan đối ứng với Mỹ thấp hơn.
"Các bên ngồi lại với nhau để có thể xác định Việt Nam cân nhắc thế nào và các chuỗi cung ứng ra sao để cải cách chính sách giá và Việt Nam sẽ áp dụng cho các nước", ông Thái nói.