Chuyên gia nêu giải pháp khi bị Mỹ áp thuế cao
Trao đổi với PetroTimes, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, Chính phủ cần tập trung tìm ra một giải pháp thương lượng tốt nhất, tránh để tình trạng leo thang chiến tranh thương mại, vì nếu Mỹ đánh thuế 46% thì Việt Nam cũng có thể áp lại mức thuế tương tự, và điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại không có lợi cho cả hai bên.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc ông Trump áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Tôi cho rằng việc ông Donald Trump áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ là một mức thuế rất cao, và thực tế điều này có thể đã được dự đoán từ trước. Có một số lý do ẩn sau quyết định này: Thứ nhất, mức thuế mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng ở một mức độ nhất định, và mức độ đối ứng giữa hai bên chưa thực sự cân bằng.
Điểm thứ hai là thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ quá lớn, 23,3 tỷ USD vào năm 2024. Chính vì vậy, ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện các biện pháp để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, việc áp thuế này chính là một trong những cách để ông đạt được mục tiêu đó, tức là giảm bớt thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ, hay nói cách khác là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Đình Khương).
Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ phải điều chỉnh chính sách thương mại, và các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải thay đổi chiến lược sao cho phù hợp. Mục tiêu là để cả hai bên có thể tham gia vào một mối quan hệ thương mại công bằng, cân bằng và có lợi cho cả hai.
Tôi nghĩ đây là một chiến lược rõ ràng mà ông Trump đã công bố từ trước, và vì vậy, việc áp dụng thuế vào thời điểm này không phải là điều bất ngờ.
PV: Việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, chẳng hạn như dệt may, giày dép, hay thủy sản?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Theo tôi, việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam sẽ làm tăng giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, có thể tăng lên gấp 1,5 lần so với mức giá trước đó, tương ứng với mức thuế này. Điều này sẽ khiến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam giảm đi, vì giá cao hơn sẽ làm giảm cầu. Khi giá tăng, nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ sẽ giảm, dẫn đến việc xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm mạnh. Theo tôi, mức thuế 46% có thể khiến giá trị hàng xuất khẩu sang Mỹ nộp vào ngân sách Mỹ khoảng 30- 40 tỷ USD trong thời gian tới.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất khẩu mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, và cả điện thoại. Giá cao hơn sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các mặt hàng này, khiến chúng khó duy trì được thị phần tại Mỹ. Kết quả là, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì lượng hàng xuất khẩu, và một số có thể phải thu hẹp quy mô hoặc chuyển hướng sang các thị trường khác.
Về tác động đến nền kinh tế Việt Nam, chúng ta phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng. Nếu xuất khẩu giảm, dù là 30- 40 tỷ USD, điều này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng này không quá lớn, vì trước đây chúng ta đã từng giảm như thế này rồi khi xuất khẩu năm 2023 giảm 30 tỷ USD so với năm 2022. Và Việt Nam vẫn có thể tìm kiếm các thị trường khác để bù đắp. Mặc dù vậy, những thay đổi này sẽ gây khó khăn và có thể tạo ra những cú sốc ban đầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
PV: Thưa ông, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để giảm thiểu tác động từ mức thuế quan này trong giai đoạn hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Theo tôi, Chính phủ cần tập trung vào việc đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế này. Mục tiêu là tìm ra một giải pháp thương lượng tốt nhất, tránh để tình trạng leo thang chiến tranh thương mại, vì nếu Mỹ đánh thuế 46% thì Việt Nam cũng có thể áp lại mức thuế tương tự, và điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại không có lợi cho cả hai bên. Thay vì đối đầu, Việt Nam nên đề xuất đàm phán lại để Mỹ xem xét mức thuế một cách thận trọng hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan ngày 2/4 tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể đưa ra các đề xuất hợp lý, chẳng hạn như yêu cầu Mỹ giảm thuế đối với các sản phẩm từ Việt Nam nếu Việt Nam đồng thời tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Các sản phẩm có thể bao gồm nông sản, thiết bị năng lượng tái tạo, máy móc, tàu thủy, máy bay, thậm chí là vũ khí và thiết bị quốc phòng. Một gói nhập khẩu từ Mỹ có thể tăng lên từ 30 đến 40 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và tạo điều kiện để Việt Nam đàm phán lại thuế quan.
Ngoài việc đàm phán với Mỹ, Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ có thể xem xét giảm thuế nội địa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các chi phí không chính thức, giảm chi phí kiểm tra hải quan, và tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Các biện pháp này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh, từ đó có thể giữ giá bán hợp lý hơn, dù có mức thuế cao.
Về phía các doanh nghiệp, họ cần phải tiết kiệm chi phí trong điều kiện thuế quan mới. Các doanh nghiệp có thể giảm chi phí lao động, tối ưu hóa chi phí sản xuất, và phát triển các nền tảng thương mại điện tử để giảm chi phí vận hành. Đồng thời, họ cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ phụ thuộc vào Mỹ. Các thị trường khác như Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi, và Đông Nam Á có thể là những lựa chọn hợp lý để phân tán rủi ro và không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quyết định thuế quan của Mỹ.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể liên kết với các đối tác Mỹ để đầu tư vào Việt Nam, sản xuất hàng hóa tại đây và xuất khẩu sang Mỹ. Một lựa chọn khác là doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư trực tiếp vào Mỹ, sản xuất và bán hàng ngay tại thị trường Mỹ để tránh thuế quan. Qua đó, không chỉ giảm chi phí mà còn tạo ra lợi ích đôi bên cho cả Việt Nam và Mỹ.
Dù tác động từ thuế quan là không thể tránh khỏi, nhưng với các giải pháp linh hoạt và chiến lược dài hạn, Việt Nam có thể giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực và duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
PV: Ngoài Mỹ, Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ở những thị trường nào khác để giảm thiểu tác động từ việc bị áp thuế cao, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Theo tôi, ngoài Mỹ, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Chúng ta hiện đã có quan hệ thương mại với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) phải khai thác hết. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác. Ví dụ, chúng ta có thể tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia Châu Âu. Ngoài ra, các thị trường ở Châu Á, Đông Nam Á, Trung Đông, và Châu Phi cũng có tiềm năng rất lớn.
Cần đặc biệt chú trọng đến các thị trường như Ấn Độ, Nga, và các quốc gia ở Trung Đông, nơi nhu cầu hàng hóa có thể tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp, nông sản, và thực phẩm. Việt Nam có thể xây dựng chiến lược để gia tăng sự hiện diện tại những thị trường này, nhờ vào các ưu đãi từ các hiệp định thương mại và sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở hạ tầng thương mại toàn cầu.
Ngoài việc mở rộng thị trường, Việt Nam cũng cần phải phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chú trọng đến việc đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển các sản phẩm có tính cạnh tranh vượt trội, và đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng thời, xây dựng một thương hiệu Việt mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Không chỉ dừng lại ở việc gia công, mà cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm và sáng tạo để sản phẩm Việt Nam có thể đứng vững trên thị trường toàn cầu. Việc xây dựng các tập đoàn thương mại lớn trong nước sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và sức mạnh kinh tế của Việt Nam.
Chiến lược của Việt Nam nên là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia. Qua đó, Việt Nam có thể giảm thiểu rủi ro từ việc quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và tìm kiếm cơ hội phát triển bền vững hơn trong tương lai.