Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/5/2010, UBND huyện Triệu Phong ban hành Quyết định số 381 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án giai đoạn 2010 - 2020.

 Người lao động có tay nghề vào làm việc trong các nhà máy ở Triệu Phong ngày càng nhiều- Ảnh: N.V

Người lao động có tay nghề vào làm việc trong các nhà máy ở Triệu Phong ngày càng nhiều- Ảnh: N.V

Theo đó, hệ thống tổ chức bộ máy ban chỉ đạo, tổ chỉ đạo 1956 các cấp trong huyện được thành lập. UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp các địa phương, hội, đoàn thể tuyên truyền, tư vấn, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Từ đó, nhiều mô hình dạy nghề được lựa chọn như trồng và chăm sóc cây cảnh, chế biến nước mắm, chế biến món ăn, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, gà thả vườn, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng ném, trồng hoa, sửa chữa, vận hành máy nông- ngư cơ, may công nghiệp, sửa chữa cơ khí... Kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn gần 11 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 7 tỉ đồng, số còn lại là ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn khác. Đến nay, trong tổng số gần 9.000 người đã học xong nghề thì có hơn 8.800 người có việc làm, trong đó có 1.378 người được doanh nghiệp tuyển dụng, 197 người sản xuất được bao tiêu sản phẩm, 1.300 người tự tạo được việc làm, 391 người thành lập tổ, nhóm sản xuất, hơn 5.500 người làm việc cũ nhưng thu nhập tăng lên, 762 người thoát nghèo, gần 7.000 người có thu nhập khá.

Chị Lê Thị Hồng Hới ở xã Triệu Long cho biết, sau khi học nghề chế biến món ăn, chị đã mở được nhà hàng tiệc cưới giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động ở địa phương. Quá trình học nghề được giáo viên hướng dẫn tận tình nên sau khi học xong, chị vận dụng vào công việc kinh doanh nhà hàng rất hiệu quả. Còn chị Lê Thị Túy ở xã Triệu Lăng cho biết, sau khi học nghề chế biến nước mắm, chị đã thành lập tổ sản xuất thu hút 20 lao động. Chị thường xuyên hướng dẫn nghề cho chị em trong tổ sản xuất nên tay nghề luôn được nâng cao, tạo ra sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Cũng giống như chị Hới, chị Túy, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Triệu Trạch sau khi học được nghề nuôi gà trên cát đã quyết định vay vốn đầu tư nuôi gà. Với kiến thức học được, nhà lại có đất rộng, có chuồng trại, chị chỉ đầu tư con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh nên việc chăn nuôi của gia đình diễn ra thuận lợi, mỗi năm xuất bán trên 1.000 con gà thịt, cho thu nhập cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Triệu Phong vẫn còn gặp một số khó khăn như hoạt động tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm hiệu quả chưa cao; chưa gắn công tác tuyển sinh đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Trang thiết bị dạy nghề đầu tư thiếu đồng bộ nên khó khăn trong việc khai thác sử dụng tính năng, tác dụng trong học nghề; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệpGiáo dục thường xuyên chưa gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ cán bộ quản lý chưa thu hút được nghệ nhân, chuyên gia giỏi tham gia đào tạo nghề. Công tác tổ chức, điều tra, khảo sát của các địa phương hằng năm có nơi chưa sát với thực tiễn; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát dạy nghề chưa được thường xuyên, chưa chặt chẽ. Các đơn vị tham gia đào tạo nghề vẫn còn chồng chéo trong tuyển sinh và đào tạo, chất lượng đào tạo chưa cao. Nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hằng năm phân bổ cho huyện còn ít, chỉ sử dụng vốn quay vòng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động nông thôn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Trưởng Phòng LĐ - TB&XH Triệu Phong Trương Quang Hùng cho biết, để thực hiện hiệu quả hơn công tác đào tạo nghề giai đoạn 2021- 2025 và đến năm 2030, UBND tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách dạy nghề, tránh thay đổi hằng năm gây lúng túng và chậm trễ cho các cơ quan, ban, ngành và cơ sở dạy nghề thực hiện công tác dạy nghề. Dự báo, khảo sát tình hình tuyển dụng lao động ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh về các trình độ nghề (trung cấp, cao đẳng, thợ bậc cao…) để chỉ đạo các trường dạy nghề tỉnh phối hợp địa phương tuyên truyền tuyển sinh đào tạo; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động có tay nghề cho doanh nghiệp. Chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp tuyển sinh, tuyển dụng, chịu trách nhiệm về tuyển sinh và đào tạo trình độ sơ cấp nghề, cung ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác dạy nghề cho cán bộ, công chức làm công tác dạy nghề các cấp. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn không trùng với thời vụ sản xuất của nông dân. Hằng năm, nhà nước bổ sung vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho địa phương đáp ứng nhu cầu của lao động nông thôn vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sau đào tạo nghề. UBND huyện phân loại ngành nghề để có định hướng tốt trong việc cung cấp thông tin về những ngành nghề có triển vọng cho người dân. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực góp phần phát triển hơn nữa nghề truyền thống có giá trị kinh tế cao, đồng thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Hệ thống khuyến nông cần tích cực tham gia vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Lựa chọn, đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức thực hiện, trong đó xây dựng một số mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội nhằm giúp công tác đào tạo nghề được thực hiện có hiệu quả, bảo đảm đầu ra của học viên sau khi đào tạo… Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo ở Triệu Phong đạt 70 - 75%, trong đó qua đào tạo nghề đạt khoảng 55% (có bằng cấp, chứng chỉ 33%); tỉ lệ đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp đạt trên 75%; tỉ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả cao hơn đạt 80%.

NV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154103