Tháo gỡ khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy
Công tác cai nghiện ma túy đã và đang được các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị cho người nghiện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
* Còn nhiều khó khăn
Trong thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác cai nghiện như: xây dựng mới và đã đưa vào hoạt động Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tại xã Suối Cao (H.Xuân Lộc) đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất với quy mô tiếp nhận nhiều học viên hơn (quy mô tiếp nhận và điều trị 1 ngàn học viên); điều chỉnh cơ chế để tháo gỡ những khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện... Tuy nhiên trên thực tế, để thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH) cho biết, một trong những khó khăn chính hiện nay là xây dựng phác đồ cho việc điều trị đối với những đối tượng nghiện ma túy tổng hợp. Hiện nay, số đối tượng nghiện sử dụng ma túy tổng hợp là rất lớn. Tuy nhiên, hiện chưa có phác đồ điều trị hiệu quả đối với những đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp.
“Trên thực tế việc điều trị nghiện cho các đối tượng này chủ yếu là điều trị chứng rối loạn tâm thần. Trong khi đó, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về điều trị tâm thần lại chưa thể đáp ứng nhu cầu” - ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết.
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH), tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4,3 ngàn đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó có 1,3 ngàn đối tượng đang cai nghiện ma túy bằng methadone, số còn lại đang cai nghiện tại các trung tâm và cai nghiện tại cộng đồng, gia đình.
Quyết định số 49/2017/QĐ-UBND ngày 29-12-2017 của UBND tỉnh sửa đổi bổ sung một số điều tại Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 5-4-2016 của UBND tỉnh đã phần nào tháo gỡ những khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện. Theo đó, quyết định mới đã xác định rõ đối tượng được áp dụng cũng như các thủ tục để lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai.
Tuy nhiên, một vấn đề còn vướng mắc đó là việc xác minh đối tượng nghiện ma túy sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định. Theo đó, các đối tượng nghiện ma túy được lập hồ sơ đi cai nghiện thường là những đối tượng trong các vụ án hình sự; đối tượng trong các đợt truy quét, kiểm tra hành chính của công an các địa phương. Sau 30 ngày đưa các đối tượng này vào cơ sở cai nghiện, cơ quan công an nơi phát hiện phải xác minh thông tin về nơi ở của đối tượng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương khi được cơ quan chức năng yêu cầu xác minh thông tin đã không trả lời hoặc trả lời chậm khiến cho việc giải quyết gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Đặng Xuân Hòa, các trường hợp được đưa vào cơ sở cai nghiện trong những trường hợp trên chỉ là dạng “tạm gửi” để chờ xác minh. Khi đối tượng được xác minh nơi cư trú sẽ được bàn giao lại cho chính địa phương đó quản lý. Trong trường hợp sau 30 ngày mà hồ sơ chưa được tòa án thụ lý thì giám đốc cơ sở điều trị nghiện buộc phải trả đối tượng về cho địa phương nơi đưa vào. Trong trường hợp này, đối tượng nghiện lại được trả về cộng đồng nên rất nguy hiểm.
Một vấn đề khó khăn khác theo ông Lịch chính là việc hỗ trợ, tương tác từ phía gia đình, người thân của các học viên. “Việc điều trị nghiện tại cơ sở ngoài cắt cơn thì vấn đề còn lại là công tác ổn định tâm lý cho các học viên. Việc này không chỉ có đội ngũ y, bác sĩ mà còn là sự quan tâm, chăm sóc và động viên từ phía gia đình và người thân” - ông Lịch cho biết.
Cũng theo ông Lịch, có nhiều học viên sau khi được đưa vào cơ sở cai nghiện thì gia đình, người thân hầu như không quan tâm. Đặc biệt, có những trường hợp gần như đã bị “bỏ rơi”, hết thời gian điều trị trở về địa phương, gia đình không đón nhận. Do đó, công tác điều trị và phục hồi tâm lý cho các học viên càng trở nên khó khăn hơn.
* Xóa bỏ kỳ thị để người nghiện có cơ hội hòa nhập cộng đồng
Theo các cơ quan chức năng, ngoài công tác điều trị, cắt cơn và ổn định tâm lý cho các học viên thì một vấn đề quan trọng khác là công tác quản lý người nghiện sau cai. Sau thời gian nhất định, người nghiện đi cai tập trung đều phải giao lại cho gia đình và địa phương để quản lý. Tuy nhiên, đây lại chính là thời gian mà nhiều người nghiện mặc dù đã cai thành công nhưng lại tiếp tục sa vào con đường nghiện ngập.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân là do công tác quản lý, giáo dục, giám sát của người thân, gia đình, chính quyền địa phương chưa thực sự có hiệu quả. Bên cạnh đó, chính những sự kỳ thị, phân biệt của xã hội đã khiến cho không ít học viên sau khi cai nghiện gặp khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là công tác quản lý, giám sát, giáo dục của gia đình, người thân và cộng đồng. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng.
Theo ông Hòa, các địa phương khi có học viên cai nghiện trở về phải quan tâm, giúp đỡ. Chính quyền địa phương ngoài việc kịp thời động viên, nhắc nhở còn phải giám sát, theo dõi để ngăn chặn tình trạng tái nghiện cũng như các hành vi phạm pháp khác.
Anh N.P.C. (ngụ TP.Long Khánh, học viên đang cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh) cho biết, anh mong muốn khi được trở về thì gia đình và mọi người tha thứ, tạo điều kiện để anh làm lại cuộc đời. Hiện nay, sau khi học viên trở về địa phương tìm việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất chính là việc đâu đó vẫn còn sự kỳ thị đối với những người đã từng nghiện ma túy khi họ đi tìm việc làm.
Để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, trước hết là bỏ việc ghi hạnh kiểm trong hồ sơ xin việc đối với những người đã từng đi cai nghiện. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng sẽ không có sự phân biệt, đối xử khiến những người này dễ rơi vào mặc cảm. Mấu chốt vấn đề vẫn là mọi người cần phải thay đổi cách nhìn đối với những người nghiện ma túy để họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, tránh xa nguy cơ tái nghiện.