Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế hiệu quả
Để xây dựng, thực hiện, tái đầu tư sản xuất, nâng cấp, nhân rộng các mô hình sản xuất, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã và đang triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Cùng cán bộ HND xã Hoạt Giang (Hà Trung) đến thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Nối, chúng tôi rất bất ngờ trước việc quy hoạch khoa học vườn cây ăn quả, ao cá, chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Ông Nối cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm ruộng, chăn nuôi vài con gà, vịt phục vụ cuộc sống gia đình nên thu nhập bấp bênh. Sau khi được tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, do HND xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, đặc biệt là thông qua tổ chức hội được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng hàng trăm gốc bưởi, cam và rau xanh các loại theo mùa. Mỗi năm thu nhập từ vườn cây, ao cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng trăm triệu đồng, nhiều năm liền gia đình tôi là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, nhận được nhiều giấy khen về thành tích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Chị Trịnh Thị Huê, Chủ tịch HND xã Hoạt Giang, cho biết: “Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên; thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp để nông dân liên kết sản xuất, tăng thu nhập và ổn định đời sống. Hiện nay, Hội thực hiện tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hội viên vay vốn, với số tiền hơn 20 tỷ đồng để phát triển các mô hình kinh tế, dịch vụ nông nghiệp".
Xác định giúp nông dân phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, HND tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội tiếp tục phát động, lan tỏa sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động và định hướng cho nông dân phát huy lợi thế của địa phương; tận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa cây, con giống có giá trị vào nuôi, trồng.
Cùng với đó, HND các cấp đã tích cực chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, nhà khoa học hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất, kinh doanh với dịch vụ. Tổ chức triển khai có hiệu quả các mô hình, dự án giảm nghèo, khuyến nông, NTM của Trung ương và của tỉnh. Tổ chức trao 4.450 con gà thương phẩm cho 20 hộ dân tham gia Dự án “Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học năm 2024” tại xã Xuân Hồng (Thọ Xuân).
HND tỉnh cũng hỗ trợ, đánh giá chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho sản phẩm lươn không bùn xã Đông Phú (Đông Sơn); tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuối sấy dẻo Tiêu Hồng xã Đông Minh (Đông Sơn); đánh giá giám sát chứng nhận VietGAHP lần 2 cho sản phẩm gà thương phẩm của HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Yên Lâm và HTX Tân Hưng Phát xã Xuân Hưng (Thọ Xuân); sản phẩm trứng gà của Chi HND chăn nuôi gà siêu trứng xã Hà Châu (Hà Trung); sản phẩm mật ong của HTX dịch vụ Mai An Tiêm, xã Nga Thạch (Nga Sơn); và sản phẩm gạo Viên Nội, Thiệu Viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa); hỗ trợ 19.000 nhãn sản phẩm các loại, 5.500 túi đựng sản phẩm cho HTX Chế biến thủy sản Sông Yên, xã Quảng Nham và Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Thiên Bảo, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các cấp HND trong tỉnh đã trực tiếp vận động, đăng ký và hướng dẫn được 64 sản phẩm OCOP hoàn thiện các quy trình thủ tục và nâng cao chất lượng sản phẩm để được công nhận trong thời gian tới; xây dựng thương hiệu, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho 77 sản phẩm; hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm và hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 cho 879 người...
Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần “đoàn kết - đổi mới - sáng tạo - phát triển”, là chỗ dựa tin cậy hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế; tổ chức các tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp nông dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và xây dựng tổ chức hội phát triển vững mạnh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ho-tro-nong-dan-phat-trien-kinh-te-hieu-qua-229925.htm