Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học
Khoa học công nghệ (KHCN) có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng, động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản từ cơ chế quản lý tài chính đến chính sách đãi ngộ, ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu, sáng tạo. Để các nhà khoa học phát huy hết khả năng, có những sản phẩm chất lượng, cần những cơ chế, chính sách quản lý thông thoáng, đồng thời có chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nhân tài.
Theo TS Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay, hoạt động nghiên cứu KHCN chịu sự chi phối của nhiều luật, như: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... Trong đó còn nhiều quy định khá cứng nhắc, khiến quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học bị "trói buộc", làm suy giảm đáng kể tính linh hoạt và sáng tạo.

Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi sinh ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Lấy ví dụ, TS Trịnh Thành Trung cho biết, một trong những bất cập lớn nhất là cơ chế khoán chi kinh phí nghiên cứu. Theo Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN của Bộ Tài chính và Bộ KHCN hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KHCN sử dụng ngân sách nhà nước thì chỉ những khoản chi liên quan đến con người như tiền công, thù lao cho cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật thực hiện các nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hội nghị, hội thảo khoa học của đề tài, dự án; chi công tác phí trong nước... mới được khoán chi, còn chi phí về vật tư, hóa chất, mua sắm vật tư, hóa chất, nguyên, nhiên vật liệu cho thí nghiệm, thử nghiệm phục vụ yêu cầu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của đề tài, dự án... lại phải thực hiện theo quy trình đấu thầu, điều này rất phức tạp.
Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC của Bộ KHCN và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đưa ra hai hình thức khoán chi, đó là khoán chi từng phần như trước đây hoặc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chọn hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhà khoa học sẽ không được điều chỉnh phương thức khoán khi nhiệm vụ đã và đang thực hiện; không được điều chỉnh tổng mức kinh phí được giao khoán; không được điều chỉnh tên, mục tiêu và sản phẩm cuối cùng của nhiệm vụ... trong suốt quá trình nghiên cứu. Nếu đề tài không hoàn thành, họ có thể bị yêu cầu hoàn trả tối thiểu 40% kinh phí, thậm chí lên đến 100% nếu bị xác định là lỗi chủ quan.
Về vấn đề này, TS Trịnh Thành Trung cho biết, trong nghiên cứu khoa học, thất bại không phải là điểm dừng mà là bước đệm cho những khám phá mới. Vì vậy, khi một nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, thay vì bị áp lực hoàn trả kinh phí thì cần khuyến khích nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu để cộng đồng học thuật tránh “đi vào vết xe đổ”. Bên cạnh đó, nếu chính sách linh hoạt hơn, cho phép các nhà nghiên cứu chủ động điều chỉnh nội dung và phương pháp nghiên cứu theo thực tế thì hiệu quả sẽ được nâng cao mà vẫn bảo đảm mục tiêu và nguồn kinh phí tài trợ.
Không chỉ gặp khó khăn về cơ chế, các nhà khoa học còn phải đối diện với vấn đề lớn hơn, đó là đãi ngộ chưa tương xứng và môi trường làm việc chưa đủ hấp dẫn để giữ chân nhân tài. Thực tế, mức thu nhập từ nghiên cứu khoa học hiện nay còn quá thấp. Một chuyên đề nghiên cứu kéo dài vài ba tháng thường có mức thù lao 20-30 triệu đồng, nhưng sau khi chia cho các thành viên thì một nhà khoa học có thể chỉ nhận được khoảng 5-6 triệu đồng, không đủ để duy trì cuộc sống, chứ chưa nói đến việc tiếp tục cống hiến.
“Khi cơ chế còn cứng nhắc, thu nhập không bảo đảm, nhiều nhà khoa học giỏi sẽ có thể rời bỏ khu vực công, khiến nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng suy giảm. Vì vậy, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách và môi trường làm việc, chúng ta không chỉ mất đi nhân tài mà còn bỏ lỡ cơ hội phát triển KHCN”, TS Trịnh Thành Trung nhấn mạnh.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Riêng về lĩnh vực công nghệ sinh học, GS, TS Joo-Won Suh, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu hiệu quả sinh học Myongji (Đại học Myongji, Hàn Quốc) chia sẻ: “Việt Nam có một kho tàng tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực phong phú, đặc biệt là tài nguyên sinh học từ vi sinh vật, tạo cơ hội lớn cho ứng dụng công nghệ sinh học trong tương lai. Tuy nhiên, để phát triển công nghệ sinh học phải đi đôi với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Khảo sát ứng dụng vi sinh vật trong nuôi tôm thâm canh tại huyện Quảng Yên (Quảng Ninh)
Ông Joo-Won Suh cũng khuyến nghị Việt Nam cần tạo cơ hội cho thế hệ trẻ học hỏi từ các quốc gia tiên tiến, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ công nghệ sinh học. Thực tế, thời gian qua, nhờ chú trọng phát triển nguồn nhân lực, một số kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học của các nhà khoa học và sinh viên Việt Nam đã được ứng dụng vào các lĩnh vực như: Công nghệ tin-sinh xây dựng bản đồ gen người Việt; hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi từ ảnh vệ tinh; hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc...; cùng với đó, công nghệ xử lý môi trường, cảnh báo thiên tai cũng đã được ứng dụng tại nhiều địa phương...
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ mạnh mẽ, để có thể bắt kịp và vươn lên trong cuộc đua KHCN, cùng với cơ chế, chính sách phù hợp, cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường để các nhà khoa học cống hiến tài năng vì sự phát triển của đất nước.