Tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa dịp Tết Nguyên đán
Trước lo lắng của doanh nghiệp về khó khăn trong vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu ngành công thương chủ động tổng hợp các vấn đề, ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo lên UBND TP. Hồ Chí Minh nhằm có phương án kiến nghị và tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Làm việc vói Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp cho rằng nếu gặp ách tắc trong giao thông sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển lưu thông hàng hóa, nguồn cung hàng hóa ra thị trường, nhất là các ngày cao điểm.
Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op lo lắng, hiện nay phát sinh những vấn đề về giao thông, khiến việc vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng tươi sống gặp không ít khó khăn. "Với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, hàng phi thực phẩm, chúng tôi có thể đưa về và dự trữ tại các điểm bán. Nhưng hàng tươi sống thì phải xử lý, đóng gói tại điểm bán. Do đó nhóm hàng này có nguy cơ tăng giá, thiếu cục bộ do đứt hàng trong một thời gian ùn tắc giao thông", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, việc người giao hàng cho khách mua sắm qua kênh online cũng gặp khó vì thùng hàng giao gắn phía sau "bị tuýt còi". Trong những ngày cuối năm khi nhu cầu mua sắm online tăng cao, nếu không có biện pháp tháo gỡ thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó.
Còn ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại MM Mega Market Việt Nam cho biết, các đối tác của MM Mega Market cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn hơn trong vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ Bắc vào Nam và ngược lại. MM Mega Market có các trung tâm trung chuyển hàng tươi và hàng lạnh trên cả nước đang hoạt động hết công suất, tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển để mang đến giá hợp lý nhất cho người tiêu dùng.
“Việc giao hàng đang gặp nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng dịch vụ tốt nhất dựa vào năng lực vận tải của mình. MM Mega Market đã ký kết thêm với các nhà vận tải mới và cam kết tăng 15%-20% đơn hàng dịch vụ online, đáp ứng phần nào nhu cầu của khách hàng”, ông Toàn chia sẻ.
Chung sự lo lắng về tình trạng ách tắc, ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, các chợ đầu mối luôn là nguồn cung cấp thịt heo nóng và rau củ quả quan trọng cho người dân mỗi dịp Tết. Từ 25 đến 29 Tháng Chạp, sản lượng rau, củ, quả, trái cây về chợ tăng 50%, tương đương 3.500 tấn/ngày. Riêng thịt heo vào cao điểm 26, 27 Tết, sản lượng tăng 100%, tương đương từ 10.000-11.000 con/ngày. Bên cạnh đó, tại chợ còn có các kho chứa, xe container xung quanh chợ dự trữ hàng hóa để bổ sung kịp thời nếu có thiếu hụt. Tuy nhiên với tình hình giao thông hiện nay, nhất là chợ tự phát xung quanh chợ bùng nổ, ông Phong lo ngại giá bán có thể tăng vọt trong một số thời điểm nếu các xe chở thịt về chợ không kịp.
"Nếu nguồn heo giết mổ từ các lò về chợ thông suốt thì giá mới bình ổn. Còn nếu bị kẹt xe, kể cả ùn tắc khu vực xung quanh chợ, xe không về kịp thì nhiều khả năng nhảy vọt giá lên", ông Phong nói.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hóa Tết của TP. Hồ Chí Minh nói chung và các đơn vị doanh nghiệp nói riêng, bà Phan Thị Thắng cho rằng, vấn đề vận chuyển hàng từ các nơi về TP. Hồ Chí Minh và từ các điểm bán hàng đến người tiêu dùng là khó khăn trước mắt. Sở Công Thương thành phố cần tập hợp ý kiến của các đơn vị, tính toán giải pháp hợp lý. "Đây cũng là vấn đề trong tầm giải quyết của các địa phương TP. Hồ Chí Minh cần có ý kiến sớm, sau khi nhận được những kiến nghị này, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ và nếu thấy cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ”, bà Thắng nhấn mạnh.