Tháo gỡ khó khăn trong trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu

Ngày 21/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3256/QĐ-UBND phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 3 năm triển khai, thực hiện nuôi trồng dược liệu mới ở giai đoạn thử nghiệm, chưa có sản phẩm dược liệu là hàng hóa được bán ra thị trường.

Sơn La có điều kiện khí hậu phù hợp phát triển nhiều loại cây dược liệu, trong đó nhiều cây thuốc có trữ lượng lớn trong tự nhiên, gồm: Bình vôi, cốt khí, cẩu tích, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, táo mèo, thảo quyết minh, thổ phục linh... Tại nhiều xã, bản vùng cao của tỉnh, người dân đang chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dược liệu; trồng dược liệu dưới tán rừng, như: Sa nhân, thảo quả, xạ đen, cà gai leo, sả, nghệ, atiso, đương quy... Thống kê, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 1.560 ha dược liệu, ước sản lượng đạt 4.210 tấn, đã có nhiều mô hình cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như: trồng sa nhân ở bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp); bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai); trồng thảo quả xã Háng Đồng (Bắc Yên), Ngọc Chiến và Chiềng Công (Mường La).

Người dân xã Háng Đồng (Bắc Yên) trồng thảo quả dưới tán rừng.

Người dân xã Háng Đồng (Bắc Yên) trồng thảo quả dưới tán rừng.

Từ năm 2015 đến nay, Sở KH&CN mới triển khai thực hiện 1 dự án, đó là Dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình hợp tác xã trồng và sơ chế một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế tại tỉnh Sơn La theo hướng phát triển bền vững”. Dự án do Công ty cổ phần dược liệu Vân Hồ chủ trì thực hiện và được nghiệm thu năm 2019. Ngoài ra, chưa có đề tài, dự án về chế biến dược liệu được triển khai và cũng chưa nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân về thẩm định công nghệ dự án đầu tư hoặc đề nghị cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chế biến dược liệu.

Ông Lường Văn Ban, Giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Vân Hồ, đơn vị thực hiện dự án thông tin: Việc tiêu thụ dược liệu từ năm 2020 trở lại đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, trên địa bàn chưa có nhà máy thu mua, chế biến sâu dược liệu, vụ sâm đất năm 2020 do không tìm được nguồn tiêu thụ, Công ty đã sơ chế thành cao cô đặc nhưng cũng không tiêu thụ được.

Thực tế, Công ty cổ phần dược liệu Vân Hồ gặp phải cũng là tình trạng chung của người trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do việc phát triển vùng trồng dược liệu của tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chủ yếu do kinh nghiệm cá nhân. Dược liệu sau thu hoạch được sơ chế, bảo quản chủ yếu cung cấp cho các bệnh viện và cửa hiệu thuốc Bắc trên địa bàn và số ít bán ra ngoài tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh mới có 5 cơ sở chiết xuất tinh dầu xả và 3 cơ sở nấu cao thực vật tại Mường La, Thành phố, Mộc Châu, Phù Yên và Quỳnh Nhai, với công suất khoảng 0,5 tấn thành phẩm/50 tấn nguyên liệu/tháng/cơ sở. Các sản phẩm cũng mới ở dạng tinh dầu thô và cao cô đặc.

Một nguyên nhân quan trọng khiến lĩnh vực dược liệu chưa thu hút được doanh nghiệp chế biến lớn được ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, nêu: Sơn La chưa thực hiện xong Dự án điều tra tổng thể nguồn tài nguyên dược liệu, kinh nghiệm sử dụng cây thuốc trên địa bàn tỉnh, vùng phân bố ở đâu, sản lượng bao nhiêu, phát triển phù hợp ở địa phương nào. Bởi, chỉ khi có kết quả điều tra tổng thể, các sở, ngành chức năng mới tiến hành xây dựng và đề xuất quy hoạch các vùng khai thác bền vững các loài cây thuốc theo tiêu chuẩn và các nguyên tắc khai thác dược liệu tự nhiên.

Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 5.000 ha dược liệu, sản lượng 7.820 tấn; có 24 đến 30 cơ sở bảo quản hoặc sơ chế dược liệu; 16 đến 20 cơ sở hoặc nhà máy chế biến hoặc chiết xuất dược liệu trên địa bàn các huyện, thành phố theo Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh đã đặt ra, thời gian tới, tỉnh cần xem xét, đánh giá tiến độ, kết quả triển khai, thực hiện các chương trình, dự án về phát triển dược liệu trên địa bàn theo Quyết định số 3256 của UBND tỉnh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều tra và đề xuất quy hoạch các vùng khai thác loài cây thuốc; ngành Y tế nghiên cứu đề xuất, phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý, sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; hỗ trợ giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thao-go-kho-khan-trong-trong-che-bien-cac-san-pham-duoc-lieu-42562