Tháo gỡ khó khăn trong việc tổ chức thực hiện giáo dục quyền con người tại cơ sở giáo dục mầm non

Giáo dục quyền con người là chìa khóa để góp phần nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền, bảo đảm mỗi cá nhân biết tự bảo vệ quyền của mình và biết tôn trọng phẩm giá, quyền và tự do của người khác; trong đó có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em

Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Cù Thị Thủy phát biểu tại hội thảo.

Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Cù Thị Thủy phát biểu tại hội thảo.

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo đánh giá thực hiện đề án Giáo dục quyền con người trong giáo dục mầm non.

Ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 1309/QĐ-TTg “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Mục tiêu của đề án đã được chỉ rõ nhằm “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu, rộng quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, dưới tiếp cận giáo dục giá trị sống, nâng cao ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, đồng thời thúc đẩy, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội; hình thành nhân cách con người phát triển toàn diện và hài hòa;

Thông qua các hoạt động giáo dục quyền con người, trang bị kiến thức, kỹ năng, củng cố giá trị, niềm tin của người học, hướng tới xây dựng nền văn hóa quyền con người Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập được với tinh hoa của văn hóa quyền con người trên thế giới; đồng thời triển khai đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Cù Thị Thủy cho biết: Quyền con người là các giá trị, chuẩn mực phổ quát toàn cầu được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế của Liên hợp quốc và được các quốc gia, trong đó có Việt Nam cam kết thực hiện. Tôn trọng và thúc đẩy việc bảo đảm quyền con người trở thành xu thế tất yếu mang tính toàn cầu, theo đó giáo dục quyền con người là chìa khóa để góp phần nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền, bảo đảm mỗi cá nhân biết tự bảo vệ quyền của mình và biết tôn trọng phẩm giá, quyền và tự do của người khác; trong đó có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, mỗi quốc gia cần phải thường xuyên chú trọng giáo dục quyền con người. Đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm giáo dục mầm non, là nội dung quan trọng trong các hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Nhà nước Việt Nam.

Theo báo cáo của các địa phương, nhiều tỉnh đã có kế hoạch triển khai tập huấn giáo dục quyền con người cho đội ngũ giáo viên, có những tỉnh đã ban hành kế hoạch rất sớm. Đến tháng 12/2024, có 50 tỉnh thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn cốt cán cấp tỉnh và chỉ đạo triển khai ở các cấp, 12 tỉnh thành đã ban hành kế hoạch tập huấn đội ngũ vào năm 2025.

Quá trình triển khai trong giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép, tích hợp nội dung quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về giáo dục quyền con người; tổ chức thực hiện xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới dựa trên tiếp cận quyền con người, quyền trẻ em…

Cấp học giáo dục mầm non đã thực hiện nhiệm vụ đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục mầm non một cách bền vững như xây dựng tài liệu hướng dẫn tích hợp quyền con người cho đội ngũ tác giả xây dựng chương trình; đưa quan điểm tiếp cận dựa trên quyền vào xây dựng nội dung đổi mới của Dự thảo Nghị quyết Đổi mới chương trình giáo dục mầm non và Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới; đưa nội dung giáo dục quyền con người trong Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới.

Nội dung giáo dục quyền con người đối với cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo là các nguyên tắc của quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam; các quyền con người cơ bản; trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể trong việc xây dựng một môi trường giáo dục có sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người. Đối với trẻ em mẫu giáo là những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng giáo dục quyền con người vẫn còn những yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai ở các cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, phần lớn đội ngũ chưa được trang bị về giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo. Việc thực hiện các phương pháp giáo dục trẻ theo quan điểm dạy học tích cực, lấy trẻ làm trung tâm còn chưa đồng đều ở tất cả giáo viên. Việc tổ chức triển khai tập huấn cho đội ngũ về giáo dục quyền con người ở các địa phương còn chưa bảo đảm theo kế hoạch, chưa có đủ nguồn lực thực hiện cho toàn bộ đội ngũ của cấp học.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận kết quả tổ chức thực hiện giáo dục tích hợp nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non; những thuận lợi, khó khăn và đưa ra các kiến nghị, đề xuất cũng như giải pháp triển khai thực hiện Đề án.

Trên cơ sở các ý kiến và đề xuất của các đại biểu đại diện các tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu, nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non; đồng thời, kiến nghị đề xuất Ban Điều hành Đề án của Chính phủ các giải pháp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Đề án trong giai đoạn tới cũng như thực hiện bền vững việc giáo dục quyền con người trong cấp học mầm non nói riêng, góp phần vào thành tựu về giáo dục quyền trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thao-go-kho-khan-trong-viec-to-chuc-thuc-hien-giao-duc-quyen-con-nguoi-tai-co-so-giao-duc-mam-non-post851498.html