Xét tuyển đại học bằng học bạ: Nhiều trường nói không, nhiều trường giảm hẳn chỉ tiêu

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có xu hướng siết chặt tuyển sinh đầu vào nhằm tạo điều kiện công bằng hơn trong tuyển sinh đại học, cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều điểm đổi mới trong dạy học và đánh giá nên nhiều trường đại học đã bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ. Đây là xu thế đang được nhiều chuyên gia đánh giá rất tích cực.

Khi ngày càng nhiều trường nói không với xét tuyển bằng học bạ

Nhiều năm qua, xét tuyển đại học bằng học bạ được nhiều trường đại học ưu tiên như một “mỏ vàng” để lôi kéo thí sinh ứng tuyển. Nhiều trường top cũng không nằm ngoài xu thế đó, họ đã ưu tiên cho những học sinh học các trường chuyên với điểm xét tuyển học bạ gần như tuyệt đối. Việc xét tuyển bằng học bạ được triển khai sau khi học sinh lớp 12 kết thúc học kỳ I. Vì vậy nhiều em học sinh, sau nghỉ Tết nộp hồ sơ và biết mình đã đậu đại học nên lơ là việc học tập.

Tuy nhiên, xu hướng này ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất cập, tiêu cực. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, xét tuyển bằng điểm học bạ khiến cho tình trạng điểm ảo, điểm tổng kết không đúng thực chất ngày càng gia tăng. Tình trạng điểm tổng kết học bạ chênh lệch với điểm thi tốt nghiệp tại nhiều tỉnh thành hết sức đáng lo ngại. Trước thực trạng đó, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có chủ trương siết tuyển sinh nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

 Tuyển sinh đại học nhiều trường nói không với phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả điểm tổng kết học bạ.

Tuyển sinh đại học nhiều trường nói không với phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả điểm tổng kết học bạ.

Trong đó, Bộ GD&ĐT quy định, nếu các trường áp dụng xét tuyển học bạ thì phải bao gồm kết quả học tập của học sinh học kỳ II của lớp 12… Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang dự tính quy đổi tương đương điểm xét tuyển của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Trên cơ sở đó, xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu. Với những điều chỉnh như vậy, nhiều trường đại học đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Theo ghi nhận của phóng viên, đi đầu trong xu thế nói không với tuyển sinh bằng kết quả điểm tổng kết học bạ là Đại học Bách khoa Hà Nội. Trường này đã công bố giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024). Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng nói không với phương thức xét tuyển học bạ.

Nhìn chung, với những trường tốp đầu thì việc họ không mặn mà với việc xét tuyển đại học bằng học bạ có thể được lý giải vì các nhà trường này không lo lắng về vấn đề đầu vào. Việc của các nhà trường là đảm bảo chất lượng đầu vào. Bên cạnh các trường top đầu đã bỏ hẳn việc xét tuyển bằng điểm học bạ, nhiều trường có xu thế giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức này.

Bình luận về xu thế trên, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, theo chị Hoàng Minh Tú ở quận Hà Đông, Hà Nội, việc đảm bảo công bằng trong tuyển sinh là điều cần hướng tới. Nếu tuyển sinh bằng điểm học bạ gây ra bất bình đẳng trong tuyển sinh thì nên tìm cách hạn chế. “Thực tế, điểm tổng kết của học sinh thời gian qua có xu hướng lạm phát điểm. Thế hệ chúng tôi, không có ai điểm học bạ tổng kết gần như tuyệt đối với tất cả các môn. Đây là điều rất phi lý và không nên để tình trạng đó kéo dài” – chị Hoàng Minh Tú chia sẻ.

Đồng quan điểm, nhiều phụ huynh khi được hỏi cũng cho rằng, đầu vào tuyển sinh đại học cần được đánh giá công bằng, tránh việc gian lận, tiêu cực trong đánh giá học tập. Xét tổng thể không đáp ứng được nhu cầu học tập và liêm chính trong giáo dục của phụ huynh và học sinh.

Tuyển sinh bằng học bạ tồn tại nhiều bất cập

Liên quan đến xu thế nhiều trường đại học tốp đầu bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ sự đồng tình. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, nhiều năm nay, kết quả đánh giá theo học bạ luôn cao hơn kết quả THPT. Vẫn còn tình trạng cả nể, dễ dãi trong đánh giá theo học bạ.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho biết, những năm trước, nhà trường ưu tiên điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên từ năm 2025, trường dự kiến bỏ sử dụng kết quả học bạ bởi lứa thí sinh năm tới học theo chương trình mới, mỗi em lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có sự chênh lệch trong kết quả học tập của thí sinh tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ khá lớn. Điểm học bạ cao không tỷ lệ thuận với điểm học đại học và tỷ lệ cam kết theo đến cùng ngành học của xét học bạ rất thấp.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho rằng, điểm học bạ giữa các trường THPT có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chính xác năng lực thí sinh, việc sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển có thể gây ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh.

Có thể thấy, vấn đề bất cập trong phương thức xét tuyển học bạ là điều dễ nhận thấy và được dư luận, báo chí phản ánh qua nhiều năm. Tuy nhiên, năm nay lại là năm đầu tiên lứa học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) tốt nghiệp. Chương trình mới lại hướng theo đánh giá năng lực, phẩm chất. Chính vì vậy, việc tuyển sinh bằng điểm học bạ như các năm không còn phù hợp. Nhiều chuyên gia cho rằng, với chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở các tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển theo phương thức này không còn phù hợp.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy, xét tuyển bằng điểm học bạ đang được siết chặt bởi các quy định của Bộ GD&ĐT, bên cạnh đó với chương trình phổ thông mới, học sinh sẽ học tập khác nhau theo lựa chọn môn học, nên việc xét tuyển bằng điểm tổng kết học bạ không còn phù hợp như các năm. Ngoài ra, việc điểm tổng kết học bạ không phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh nên các trường bỏ hoặc giảm hẳn chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức này là điều dễ dàng có thể giải thích được. Đây là xu hướng tích cực nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh đại học.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xet-tuyen-dai-hoc-bang-hoc-ba-nhieu-truong-noi-khong-nhieu-truong-giam-han-chi-tieu-post326351.html