Tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất cho nhân dân xã Mường Bon
Thực hiện chủ trương góp đất trồng cây cao su, năm 2008, người dân các bản Mai Quỳnh, Mai Tiên, bản Un, bản Bon, bản Lẳm, xã Mường Bon (Mai Sơn) đã góp trên 211 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp với Công ty CP cao su Sơn La để trồng cây cao su. Trong đó, bản Mai Quỳnh 21 ha, bản Mai Tiên 8,4 ha, bản Un 53 ha, bản Lẳm 61 ha và bản Bon gần 68 ha.
Tuy nhiên, những năm qua, diện tích cây cao su ở một số bản không phát triển. Hơn nữa, lợi ích mà các hộ thu được thực tế từ cây cao su đến nay thấp hơn nhiều so với trồng các loại cây hàng năm, như: Lúa, ngô, sắn... Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo huyện Mai Sơn, Công ty CP cao su Sơn La và Nông trường cao su Châu Sơn đã tổ chức đối thoại với nhân dân bàn giải pháp tháo gỡ, nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Ông Nùng Văn Tấm, Trưởng bản Mai Quỳnh, cho biết: 36 hộ dân trong bản di chuyển từ xã Pá Ma Pha Khinh (Quỳnh Nhai) về tái định cư tại xã Mường Bon năm 2006 và được chia 39 ha đất nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư phân bón trồng ngô, mía, sắn, đời sống bà con ổn định. Năm 2008, bà con trong bản đã góp 21 ha đất nông nghiệp liền khoảnh để trồng cây cao su, 18 ha đất còn lại của bản nằm rải rác trên đồi cao, khó canh tác. Sau 3 năm chăm sóc, cây không phát triển và bị chết do sương muối. Do thiếu đất sản xuất, biết là vi phạm, nhưng nhiều hộ không có việc làm đã chuyển diện tích trồng cao su sang trồng cây ăn quả, phát triển các mô hình kinh tế khác.
Vườn rau của gia đình ông Lò Văn Ngân rộng hơn 8.000 m² đang trồng trên đất cây cao su. Ông Ngân chia sẻ: Gia đình tôi có 7 người, hơn chục năm góp đất trồng cây cao su, nhưng không hiệu quả, bây giờ tôi chuyển sang trồng rau để tạo thu nhập.
Còn tại bản Un, có hơn 100 hộ dân góp 53 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp trồng cây cao su. Năm 2016, do sương muối nên 21 ha cây cao su bị chết. Ông Quàng Văn Định, Trưởng bản, cho hay: Các hộ dân sở tại, tuy đã góp hết đất lâm nghiệp để trồng cao su, nhưng bà con vẫn còn đất nông nghiệp để sản xuất. Riêng 10 hộ dân tái định cư của bản đã góp hết 10 ha đất nông nghiệp được chia, giờ thiếu đất sản xuất nên đời sống bà con khó khăn.
Theo ý kiến đa số các hộ dân tham gia trồng cây cao su, sau 12 năm góp đất, mặc dù đã đến kỳ khai thác nhưng hiệu quả của cây cao su không cao. Phần lớn các hộ góp đất trồng cây cao su đều có mong muốn được thanh lý diện tích đất đã góp để canh tác nông nghiệp. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Trước kiến nghị của nhân dân, huyện đã trực tiếp và chỉ đạo các phòng, đơn vị chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Công ty CP cao su Sơn La giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, huy động, lồng ghép các nguồn vốn, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các bản có người dân góp đất trồng cây cao su; hỗ trợ người dân ổn định đời sống, sản xuất.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Bá Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La, thông tin: Tại cuộc đối thoại gần đây nhất trong tháng 9/2021 giữa Công ty CP cao su Sơn La và lãnh đạo huyện Mai Sơn, xã Mường Bon và các trưởng bản, Công ty đã nhất trí đề xuất với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho chủ trương thanh lý 68,5 ha đất trả lại cho người dân; trước mắt, trả lại 21,13 ha tại bản Mai Quỳnh. Trong khi chờ đợi ý kiến chỉ đạo Tập đoàn, Công ty nhất trí để các hộ tiếp tục canh tác trên diện tích 68,5 ha, nhưng bảo đảm không tác động xấu đến vườn cây cao su của Công ty. Đối với diện tích cây cao su còn lại đã đến kỳ khai thác mủ, thu nhập từ cạo mủ tương đối ổn định, Công ty đang tiếp tục tuyên truyền, vận động công nhân trở lại làm việc, nhất là 10 hộ dân tái định cư bản Củ không có đất sản xuất, tham gia cạo mủ cao su để có thu nhập.
Trước những khó khăn của nhân dân các bản đã góp đất trồng cây cao su ở Mường Bon, rất mong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quan tâm, xem xét, sớm thanh lý diện tích đất trồng cao su kém hiệu quả, hoặc không còn cây cao su để bà con phát triển sản xuất, ổn định đời sống.