Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giáo dục mầm non phát triển mạnh
Nhiều kiến nghị từ thực tế để nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập.
Thấy gì từ cơ sở?
Báo cáo của sở GD&ĐT 63 tỉnh/thành phố, cho thấy các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện quy định về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN độc lập ngày càng hoạt động chuyên môn hóa, đúng qui định.
Trong thời gian dịch bệnh trẻ chưa đến trường, nhiều nhóm, lớp chủ động xây dựng các trang web, kênh youtube kết nối trực tiếp và online giữa giáo viên và cha mẹ trẻ để tư vấn, phối hợp chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ tại nhà. Điều này cho thấy các cơ sở GDMN độc lập không chỉ đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của người dân mà còn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
Ngày 21/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập”. Hội thảo thu hút gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thuộc 63 Sở GD&ĐT, Ban Phụ nữ Quân đội, Hiệp hội GDMN ngoài công lập; đại diện một số đơn vị Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh dự và chỉ đạo Hội thảo.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần sớm tháo gỡ, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Hoàng Thị Dinh cho rằng: Còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về việc phát triển hệ thống cơ sở GDMN độc lập. Ở một số địa phương, cơ sở GDMN độc lập hoạt động không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi về địa điểm, thay tên, đổi chủ, giáo viên không ổn định nên ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Nhu cầu gửi trẻ của người dân ngày càng lớn do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại một số tỉnh/thành phố, hệ thống cơ sở GDMN công lập không đáp ứng, các nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập quy mô nhỏ lẻ tự phát. Đặc biệt tại các khu công nghiệp, người dân lao động nghèo, học phí thấp để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân dẫn đến đó không đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, nguy cơ dễ xảy ra các vụ việc mất an toàn cho trẻ.
Đa số nhóm trẻ có quy mô nhỏ dưới 7 trẻ vẫn tổ chức và hoạt động tự phát, nằm rải rác trong các khu dân cư, rất khó quản lý và chưa được quan tâm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Cùng với đó là việc thực hiện tinh giản biên chế CBQL, giáo viên nên phòng GDĐT, trường mầm non thiếu nhân lực quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, giám sát hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập tư thục.
Thêm nữa là việc UBND xã, phường xem nhẹ công tác phối hợp với Phòng GD&ĐT quản lý cơ sở GDMN độc lập. Dẫn đến việc kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của các cơ sở GDMN độc lập trên địa bàn còn hạn chế, chưa thực hiện thường xuyên. Một số tỉnh/thành phố công tác cấp phép và kiểm tra sau cấp phép chưa chặt chẽ theo qui định.
Thời gian qua, do dịch bệnh Covid 19, thiệt hại lớn về kinh tế nên mạng lưới cơ sở GDMN độc lập hoạt động không ổn định, không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, không đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Những vấn đề về tổ chức và hoạt động cơ sở GDMN độc lập như đội ngũ, cơ sở vật chất và vấn đề an toàn trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cần được giám sát đảm bảo chất lượng.
Kiến nghị từ thực tế
Tham luận tại Hội thảo, các địa phương đều nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc khi triển khai. Đại diện Sở GD&ĐT Bình Phước cho rằng hoạt động tập huấn của Bộ GD&ĐT là hết sức bổ ích, giúp các cơ sở GDMN độc lập nâng cao chất lượng hoạt động. Mong rằng Bộ có hướng dẫn cụ thể trong hỗ trợ về thực hiện chế độ chính sách, công tác khen thưởng, giảm số lượng quy định nhóm trẻ như quy định quy mô tối đa 7 trẻ, để thu hút được đông hơn trẻ ra lớp.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh kiến nghị những vấn đề liên quan đến việc cơ sở GDMN độc lập chuyển sang địa điểm mới khi các điều kiện vẫn đảm bảo thì không yêu cầu cấp phép lại. Quy định cho phép 1 chủ cơ sở có thể mở thêm cơ sở sở mới. Từ thực tế tỉnh miền núi Hà Giang, đại diện tỉnh này đề xuất tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với GDMN ngoài công lập, nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và hiệu quả quản lý nhà nước về nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng Đề án Phát triển GDMN tư thục, theo đó đề xuất một hệ thống chính sách phát triển GDMN gồm: Chính sách đối với trẻ em ra học tại cơ sở GDMN tư thục, chính sách đối với giáo viên và nhân viên y tế công tác tại cơ sở GDMN tư thục và chính sách đối với cơ sở GDMN tư thục.
Từ thực tế, Sở này kiến nghị với Bộ GD&ĐT, sửa đổi quy mô số trẻ/cơ sở GDMN độc lập tư thục từ 70 lên 100 trẻ, sửa đổi một số nội dung trong quy định quản lý nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ.
Vụ GDMN và đại diện các Vụ Pháp chế, Cục NG&CBQL đều giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của địa phương, khẳng định Bộ GD&ĐT luôn đồng hành cùng các địa phương để nâng cao chất lượng nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập (cơ sở GDMN độc lập) đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến, các tham luận đều có những phân tích sâu, thể hiện tâm huyết với ngành và sự quan tâm tới trẻ em tại các cơ sở GDMN độc lập. Thứ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta đã chọn nội dung thảo luận tại Hội thảo đúng và trúng. Vấn đề nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức và hoạt động cơ sở GDMN độc lập cần được quan tâm để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã giúp chúng ta thấy được vai trò quan trọng của các cơ sở GDMN độc lập là không thể thiếu được. Thứ trưởng cho rằng nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu Vụ GDMN tổng hợp các kiến nghị của địa phương về chế độ, chính sách, quy định quản lý tổ chức và hoạt động cơ sở GDMN độc lập ... để tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện để các cơ sở GDMN độc lập hoạt động hiệu quả, đóng góp tốt hơn cho cộng đồng.
Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh cho biết sẽ tiếp thu những kiến nghị của địa phương về công tác thi đua, khen thưởng; các quy định về số lượng trẻ em trong các cơ sở GDMN độc lập; quy định về điều kiện tiêu chuẩn đối với nhóm trẻ độc lập tối đa 7 trẻ... Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Minh cũng lưu ý trách nhiệm của chính quyền địa phương về quản lý tổ chức, hoạt động của các cơ sở GDMN độc lập này.