Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đa mục tiêu giá trị công trình thủy lợi

Sáng 2-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) tổ chức Hội nghị Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi.

Theo báo cáo của Cục Thủy lợi, cả nước hiện có: 6.750 đập; 19.416 trạm bơm; 27.754 cống; 16.057 đập tạm; 291.000km kênh mương các loại. Công trình thủy lợi đã đảm bảo cấp nước cho khoảng 4,28 triệu ha/6,25 triệu ha đất nông nghiệp cần tưới (chiếm 68,48%). Trong đó, hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng (đạt 95%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 0,53 triệu ha/3,4 triệu ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước cho khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, đô thị, kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp, kết hợp phát điện với tổng công suất 2.100 MW.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, kết quả đạt được rất hạn chế, quy định chưa phù hợp, thủ tục rườm rà. Một số địa phương (Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Gia Lai, Bình Dương, Long An... ) xây dựng phương án giá từ năm 2019 nhưng đến nay chưa được ban hành, thủ tục hành chính phức tạp, văn bản qua lại giữa các cơ quan, đơn vị rất nhiều lần.

Công nhân trạm bơm dã chiến Phù Sa, thị xã Sơn Tây, Hà Nội sửa chữa máy bơm.

Công nhân trạm bơm dã chiến Phù Sa, thị xã Sơn Tây, Hà Nội sửa chữa máy bơm.

Hiện nay, tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi rất khó khăn. Nguồn thu chủ yếu từ ngân sách trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2012 đến nay không thay đổi. Việc này đã dẫn tới đời sống người lao động khó khăn. Doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trích quỹ khen thưởng, phúc lợi do không được sử dụng từ nguồn ngân sách trung ương cấp hỗ trợ, trong khi ngân sách địa phương không bố trí. Vì vậy, nhiều đơn vị không có quỹ khen thưởng phúc lợi (Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Lai Châu, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Yên...).

Người lao động của một số đơn vị có mức lương dưới 4 triệu đồng (Nghĩa Văn – Yên Bái, Hòa Bình, Nam sông Thương - Bắc Giang, các công ty của Nam Định)..., cá biệt công ty Sông Đáy, Sông Nhuệ - Hà Nội, công ty Nam Nghệ An, Phủ Quỳ - Nghệ An còn có mức lương dưới 3 triệu đồng.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa, Hà Nội bơm nước từ sông Hồng vào hệ thống kênh mương phục vụ gieo cấy.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa, Hà Nội bơm nước từ sông Hồng vào hệ thống kênh mương phục vụ gieo cấy.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu bất cập: Hiện mỗi năm Nhà nước cấp bù thủy lợi phí khoảng 6.500 tỷ đồng do chúng ta chưa thu phí người sử dụng nước (miễn thủy lợi phí). Hiện nay, lương công nhân thủy lợi chỉ khoảng 3-5 triệu đồng/tháng khiến nhiều người bỏ việc, khó tuyển dụng. Những bất cập này đòi hỏi, chúng ta phải sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thao-go-kho-khan-vuong-mac-thuc-day-da-muc-tieu-gia-tri-cong-trinh-thuy-loi-749712