Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực lâm nghiệp
Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ các dự án, tỉnh Thanh Hóa nhận thấy các vướng mắc, bất cập, như: Thời gian thẩm định quá dài; báo cáo, giải trình nhiều lần; chưa có cơ sở đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia…
Sáng 26-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực lâm nghiệp để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông-vận tải. Đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ngành cấp tỉnh và các địa phương liên quan.
Tại Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2022, có 166 dự án đã hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích 1.642,94 ha (trong đó, có 1 dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Quốc hội và 3 dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng Chính phủ).
Việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án được thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa nhận thấy các vướng mắc, bất cập, như: Thời gian thẩm định quá dài; báo cáo, giải trình nhiều lần; chưa có cơ sở đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia…
Phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Thuận, cho biết: Để giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch Lâm nghiệp cấp quốc gia để có đầy đủ cơ sở xem xét sự phù hợp trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Xem xét, bổ sung, điều chỉnh các quy định để thống nhất, đồng bộ các nội dung về thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích đất và chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ NN&PTNT quan tâm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 5 dự án (4 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và 1 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng trồng đặc dụng) tỉnh Thanh Hóa đã trình để tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu về giao thông và năng lượng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các công trình trọng điểm quốc gia đảm bảo tiến độ.
Xem xét, có ý kiến hướng dẫn hoặc thống nhất để UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của dự án theo đơn giá nhân công, vật tư, cây giống ở thời điểm hiện tại nhằm đảm bảo đủ diện tích trồng rừng thay thế theo quy định. Hiện nay, diện tích trồng rừng thay thế để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là 1.651 ha. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay tỉnh Thanh Hóa chỉ còn khoảng 100 ha quỹ đất trống để có thể trồng rừng thay thế. Do đó, đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, có ý kiến thống nhất điều chuyển kế hoạch trồng khoảng 1.551 ha rừng thay thế để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An cho các tỉnh còn quỹ đất trống tập trung và có điều kiện thi công trồng rừng thuận lợi hơn và đảm bảo hoàn thành việc trồng rừng thay thế khi thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị tiếp thu các ý kiến của đại biểu các ngành, địa phương kiến nghị tại hội nghị. Bộ NN&PTNT sẽ xem xét, tổng hợp các ý kiến để báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy hoạch các loại rừng bảo đảm theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định. Cùng với đó, các tỉnh rà soát diện tích đất rừng để ưu tiên trồng rừng thay thế ở địa phương mình.