Tháo gỡ nhanh cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp

Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về phát triển các cụm công nghiệp kỳ vọng tháo gỡ nhanh cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp.

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế phát triển cụm công nghiệp

Sáng 21/4, tại Bà Rịa- Vũng Tàu, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp. Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, giải pháp quản lý, phát triển cụm công nghiệp và các nội dung tại Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ- CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 66/2020/NĐ- CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Việc chủ trì tham mưu phát triển cụm công nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh trong cụm trên địa bàn cấp tỉnh thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở Công Thương; tuy nhiên việc hướng dẫn thu hút đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm theo pháp luật đầu tư lại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Do vậy, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Sở Công Thương gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò cơ quan đầu mối quản lý về cụm công nghiệp trên địa bàn.

"Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp tạo hành lang pháp lý phát triển các cụm công nghiệp hiệu quả, tháo gỡ các vướng mắc thực tại làm cản trở thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp"- Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tiếp tục kế thừa những quy định đã khẳng định tính phù hợp tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ- CP; Nchỉ bổ sung, sửa đổi các hạn chế của các Nghị định, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu và quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Cụ thể là tập trung sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có hiệu lực pháp lý cao hơn, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới ban hành như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Quản lý và sử dụng tài sản công,…; không điều chỉnh các nguyên tắc quản lý đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chuyên ngành về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, quản lý sử dụng tài sản công... trong quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nhiều góp ý bổ sung cho Nghị định mới

Từ phía các Sở Công Thương cũng góp ý cho Nghị định mới về phát triển các cụm công nghiệp. Công tác quy hoạch cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính. Nội dung liên quan đến thành lập cụm công nghiệp sẽ kế thừa tinh thần Nghị định 66, Nghị định 68 để đồng bộ quy trình thành lập. Đồng thời hỗ trợ tối đa và cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.

Về chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Nghị định mới cũng giao quyền chủ động cho các địa phương ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp khi có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.

Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và địa bàn khác sau 5 năm kể từ ngày quy hoạch tỉnh được phê duyệt không thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định rõ, đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp...

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam - Đặng Bá Dự cho rằng, trong Nghị định có những vấn đề liên quan đến ngành Công Thương, còn vấn đề pháp luật quản lý tài sản công, đầu tư công nhưng khai thác tư cần làm rõ hơn đó là vấn đề đấu thầu; về phần vốn mồi của Nhà nước bỏ vào đầu tư cần phải có sự giải quyết triệt để để tránh những ắc tắc vì sợ hệ quả pháp lý sau này. Điều kiện mở rộng cụm công nghiệp cần đáp ứng nhu cầu đầu tư thực tế của từng địa phương...

"Nghị định mới kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc cho các cụm công nghiệp. Đối với các tỉnh thành có diện tích đất cụm công nghiệp lấp đầy cao thì cần có cơ chế mở rộng thêm diện tích, có cho phép liên kết các cụm công nghiệp. Giao quyền và phân quyền cho địa phương trong việc thực hiện phát triển cụm công nghiệp" - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn góp ý.

Tính đến nay các cụm công nghiệp trên cả nước thu hút trên 13.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 759.600 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thao-go-nhanh-co-che-chinh-sach-phat-trien-cum-cong-nghiep-251214.html