Tháo gỡ nút thắt tín dụng: Bất động sản liệu có được hồi sinh?
Tháo gỡ tín dụng cho bất động sản trong giai đoạn này là một động thái cần thiết, tuy vậy điều mà nhiều DN bất động sản, tổ chức tín dụng và người mua nhà quan tâm đó chính là cần tháo gỡ đồng thời các nút thắt mang tên cơ chế, pháp lý.
Vấn đề giải cứu bất động sản tiếp tục được đề cập với tần suất dày đặc trong những ngày vừa qua. Điều này xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ nút thắt tín dụng để tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản lẫn người mua nhà.
Đây được xem là một tín hiệu lạc quan, song vẫn còn nhiều ý kiến khác cho rằng vẫn là chưa đủ để vực dậy thị trường bất động sản vốn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách.
Là một nhà đầu tư kiêm hành nghề môi giới bất động sản giá trị lớn, anh Nguyễn Văn Ngọc (41 tuổi ngụ phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, (TP.HCM) cho biết hơn nửa năm nay tình hình giao dịch không mấy khả quan. Ở phân khúc có giá từ 10 tỷ trở lên gần như không có giao dịch, còn với nhà đất có giá trị từ 3 tỷ trở xuống giao dịch vẫn còn nhưng tương đối trầm lắng.
"Về đầu tư thì thời gian này tạm thời không nhiều người dám đầu tư vì phải chờ nhà nước có thông tin chính thức về Luật đất đai, Quy hoạch, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất…để quyết định xem có xuống tiền hay không. Thời điểm này lãi suất ngân hàng đang cao nên họ gửi ngân hàng, tội gì phải đầu tư chi cho nặng đầu", anh Ngọc cho biết.
Chia sẻ của anh Ngọc phần nào phản ánh được tình trạng kinh doanh bất động sản tại TP.HCM và nhiều địa phương khác trên cả nước. Ở góc độ các DN, ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Lê Thành cho biết, tình hình sức khỏe của các DN bất động sản hiện nay nói chung rất yếu, rất khó khăn và năm 2023 sẽ là cực khó khăn.
“Tâm lý người dân là quan trọng nhất, người ta không mua mà chờ giá xuống vì hiện nay giá quá cao. Lãi suất cao nên họ gửi ngân hàng để chờ, do đó họ không xuống tiền dẫn đến đây là cái khó khăn nhất của DN bất động sản hiện nay", ông Nghĩa cho hay.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường lại cho rằng, việc thị trường bất động sản rơi vào khó khăn một phần cũng đến từ tình trạng phát triển quá nóng của các doanh nghiệp bất động sản. Có những chủ đầu tư triển khai cùng lúc hàng chục dự án với số vốn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, nhưng lại lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, điều này vừa gây áp lực cho hệ thống tài chính vừa là những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế.
"Thị trường bất động sản luôn luôn là quả bom nổ chậm, nếu chúng ta quản lý không tốt thì nó sẽ gây nhiễu loạn cho thị trường tài chính, đây là quy luật đã được viết thành sách", Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.
Hiện nay, một số tập đoàn bất động sản cho rằng các rủi ro tài chính với ngân hàng, với các nhà đầu tư trong, ngoài nước đã và đang khiến họ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, thậm chí là phá sản. Đứng trước những khó khăn này, đại diện các đơn vị kinh doanh bất động sản đã đề xuất: "Chúng tôi đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong 24-36 tháng. Ách tắc pháp lý rất lâu của rất nhiều dự án bất động sản, nhất là phía Nam là nguyên nhân dẫn đến chi phí sản phẩm đến tay người dân rất cao, cần có biện pháp căn cốt hơn cho vấn đề này".
"Nếu không có chính sách hỗ trợ quyết liệt thì đến một lúc nào đó chuyện nhảy nhóm nợ là có thể xảy ra. chúng tôi đề nghị NHNN cho phép cơ cấu, giãn nợ để tránh trường hợp nhảy nợ. Điều này đồng thời sẽ hỗ trợ cho việc giải ngân các khoản nợ tiếp theo để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh".
Đứng trước những thông tin về việc siết chặt tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến thời điểm này chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Thay vào đó là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc nhiều rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn… để đảm bảo an toàn hệ thống. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để thực hiện các giải pháp tín dụng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN bất động sản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nỗ lực tối đa giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho người mua nhà và các dự án đã hoàn thiện pháp lý, có khả năng trả nợ, đồng hành cùng người dân, DN vượt qua khó khăn.
“Các ngân hàng tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án khả khi, dự án có khả năng sớm đi vào sử dụng, khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao", theo bà Hồng.
Ở một khía cạnh khác, Bộ Xây dựng mới đây đã đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng dành ưu tiên phát triển loại hình nhà ở xã hội với phương thức cấp vốn tương tự gói 30.000 tỷ đã triển khai trong giai đoạn 2013-2016.
Nhiều khả năng gói tín dụng này sẽ được trình và được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới để sớm giúp thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng có thể phục hồi.
Bày tỏ sự phấn khởi trước đề xuất này, ông Lê Hữu Nghĩa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Lê Thành cho biết, đề xuất này của Bộ Xây dựng để thực hiện mục tiêu thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ. Nguồn tín dụng này để hỗ trợ chủ đầu tư làm nhà ở xã hội, hỗ trợ người thuê mua. Hi vọng rằng với sự quyết liệt của Chính phủ của Bộ Xây dựng, giấc mơ người nghèo có nhà ở sẽ sớm thành hiện thực.
Có thể thấy, dưới chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đang có nhiều động thái tích cực nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về tín dụng để kịp thời trợ sức cho thị trường bất động sản, cũng như giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân. Tháo gỡ tín dụng cho bất động sản trong giai đoạn này là một động thái cần thiết, tuy vậy điều mà nhiều DN bất động sản, tổ chức tín dụng và người mua nhà quan tâm đó chính là cần tháo gỡ đồng thời các nút thắt mang tên cơ chế, pháp lý. Bởi nếu chỉ gỡ khó khăn về vốn thôi là chưa đủ.
Nếu nhận xét thị trường bất động sản nước ta đang ở thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng chắc không có nhiều ý kiến phản đối. Hoặc nếu cho rằng việc kinh doanh nhà đất hiện nay đang rơi vào cảnh bị “đóng băng” hẳn cũng không ít ý kiến đồng tình. Với việc các tổ chức tín dụng siết chặt cho vay, kiểm soát các danh mục cấp tín dụng đã khiến không ít DN rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu vốn triển khai dự án, thiếu cả nguồn để chi trả lương thưởng phúc lợi dẫn đến việc phải sa thải, cắt giảm nhân sự hàng loạt.
Tuy vậy, việc các tập đoàn, DN kinh doanh bất động sản phát triển quá nóng, thiếu bền vững như thời gian thoạt nhìn có vẻ như mang đến một không khí đầu tư sôi động, nhưng thực chất lại không khác gì những quả bom nổ chậm chỉ cần 1 ngòi nổ nhỏ cũng đủ sức làm sụp đổ cả thị trường. Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành tìm cách tháo gỡ nút thắt tín dụng có thể được xem là “cơn mưa rào giữa cánh đồng khô hạn”.
Ngay sau chỉ đạo này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng nới room tín dụng cho bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất gói hỗ trợ tài chính trị giá 110.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhiều địa phương chủ động đưa ra giải pháp đồng hành với DN…tất cả cho thấy tín hiệu lạc quan bước đầu cho thị trường có giá trị vốn hóa hàng triệu tỷ đồng.
Chỉ đạo của Thủ tướng và sự điều chỉnh của các Bộ, ngành địa phương nhằm tháo gỡ nút thắt tín dụng vào thời điểm này là hoàn toàn chính xác bởi nhiều doanh nghiệp, dự án đã bắt đầu không còn đủ sức để cầm cự. Tuy nhiên, một việc quan trọng khác mà các bên liên quan cần dành nhiều sự quan tâm chính là khẩn trương tham mưu, đề xuất và thông qua những Nghị quyết quan trọng để tháo gỡ những trở ngại mang tên pháp lý, cơ chế trong đầu tư phát triển nhà ở.
Giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản nước ta được dự báo sẽ còn tồn tại trong ít nhất 1 - 2 năm nữa và chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn tháo gỡ vướng mắc, phục hồi thị trường. Tuy vậy, cũng có thể xem đây là cơ hội để làm sạch, làm mới thị trường theo hướng minh bạch và bền vững hơn.
Cần mạnh tay thanh lọc những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, từng bước loại bỏ tư duy đầu cơ, làm giá, trục lợi, trả việc mua bán bất động sản trở về đúng bản chất của nó là giải quyết nhu cầu về nhà ở… Đồng thời nên có biện pháp hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, dành nhiều nguồn lực hơn để giải quyết câu chuyện nhà ở đô thị có mức giá phù hợp để từng bước khôi phục hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản theo hướng căn cơ, bền vững hơn.
Chỉ có sự quyết tâm, hợp sức đồng lòng, cùng nhau vượt khó của các bên liên quan dựa trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thì thị trường bất động sản nước ta mới có hi vọng vượt qua được giai đoạn nhiều giông bão như hiện nay./.