Tháo gỡ quy hoạch treo để Đắk Nông phát triển

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, tháo gỡ khó khăn, giảm quy hoạch treo sẽ giải phóng nguồn lực, giúp Đắk Nông phát triển.

Lực cản dự án treo

Công ty Cổ phần Phú Gia Phát - HCM có tiền thân là Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất khoáng sản Phú Gia Phát. Doanh nghiệp này triển khai 3 dự án đầu tư hạ tầng và quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Krông Nô. Qua rà soát của Sở KH-ĐTĐắk Nông, cả 3 dự án này đều chậm tiến độ.

Đây là 3/29 dự án chậm tiến độ được Sở KH-ĐT Đắk Nông chỉ ra. Những dự án treo này tập trung chủ yếu ở Krông Nô (8 dự án), Tuy Đức (6 dự án), Gia Nghĩa (5 dự án)…

Sở KH-ĐT cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án. Mục tiêu hướng tới là phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều dự án nằm trong danh mục thu hồi đất được Nghị quyết HĐND tỉnh Đắk Nông thông qua nhưng không triển khai

Nhiều dự án nằm trong danh mục thu hồi đất được Nghị quyết HĐND tỉnh Đắk Nông thông qua nhưng không triển khai

Việc rà soát các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng được tỉnh Đắk Nông rất quan tâm. Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp danh mục các dự án thu hồi đất theo quy định.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2015-2023, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nghị quyết thông qua 910 công trình, dự án cần thu hồi đất. Trong số này, có 757 dự án do nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí và 153 dự án vốn ngoài ngân sách.

Kết quả rà soát cho thấy, có 460/910 dự án (chiếm tỷ lệ 50,5%) nằm trong danh mục nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua để thu hồi đất hoàn thành công tác thu hồi đất.

Có khoảng 10,9% (100 dự án) đang thực hiện; 18,2% (166 dự án) chưa thực hiện và 20,4% (184 dự án) đưa ra khỏi danh mục thu hồi đất.

Tuy Đức là địa bàn có 86 dự án nằm trong danh mục thu hồi đất và đã thực hiện được 77 dự án, đạt tỷ lệ 86,9%, cao nhất toàn tỉnh. Gia Nghĩa có 118 dự án và đã thực hiện được 35 dự án, đạt tỷ lệ 29,66%, thấp nhất toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Y Quang BKrông nhận định: Tỷ lệ thực hiện các công trình, dự án đã được thông qua nghị quyết thu hồi đất giai đoạn 2015-2023 đạt thấp.

Qua giám sát thực tế, HĐND tỉnh nhận thấy có nhiều tồn tại liên quan đến quy hoạch. Các dự án kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân và làm phát sinh đơn thư, khiếu nại, kiến nghị liên quan đến thu hồi đất.

Nhận diện tồn tại

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông Phan Nhật Thanh, công tác quy hoạch đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Quy hoạch định hướng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch giai đoạn vừa qua còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Đơn cử như quy hoạch đô thị, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Gia Nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 8/2013.

Quy hoạch đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc định hình các kế hoạch phát triển đô thị, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội…

Qua hơn 10 năm thực hiện, quy hoạch này nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Tại Gia Nghĩa phát sinh tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch không sát với thực tế.

Việc này gây ra nhiều khó khăn cho triển khai dự án, cho công tác quản lý Nhà nước về đô thị, xây dựng và gây bức xúc cho người dân.

Người dân trong vùng quy hoạch treo ở Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn vì bị hạn chế các quyền sử dụng đất

Người dân trong vùng quy hoạch treo ở Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn vì bị hạn chế các quyền sử dụng đất

Ông Thanh chia sẻ: Giai đoạn 2011 - 2020, chất lượng quy hoạch của Đắk Nông chưa được tốt, còn nhiều tồn tại. Điều này ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư, làm giảm niềm tin của Nhân dân và kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông cho rằng, để xảy ra tình trạng quy hoạch treo, dự án treo cho thấy có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng. Sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn chưa thực sự tốt.

Một số khu vực quy hoạch sử dụng đất cấp huyện ở Đắk Nông thể hiện tính thiếu đồng bộ với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Việc đề xuất một số dự án chưa tuân thủ theo quy hoạch đã phê duyệt. Công tác quản lý quy hoạch ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ…

Lãnh đạo Sở TN-MT Đắk Nông cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng quy hoạch treo là do thiếu kinh phí.

Do nguồn lực hạn chế, không kêu gọi được nhà đầu tư nên chất lượng quy hoạch chưa cao. Quy hoạch không hài hòa được lợi ích giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư dẫn đến hệ quả là dự án treo.

Bàn về vấn đề kinh phí, ông Phan Nhật Thanh khẳng định, đây chính là nút thắt lớn nhất dẫn đến tình trạng quy hoạch treo. Bởi về nguyên tắc, việc lập quy hoạch phải từng bước tuần tự từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…

“Do vướng mắc về kinh phí nên sau khi có quy hoạch chung, chúng ta thực hiện quy hoạch chi tiết. Đây là bất cập lớn và việc điều chỉnh cần kinh phí cùng thời gian”, ông Thanh cho hay.

Một vấn đề bất cập tồn tại lâu nay ở Đắk Nông là thiếu lực lượng chuyên môn về kiến trúc, xây dựng ở cơ sở. Qua rà soát của Sở Xây dựng Đắk Nông, tỷ lệ công chức, lãnh đạo cấp xã và nhân viên, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn ở cấp huyện có chuyên môn về lĩnh vực này chiếm tỷ lệ nhỏ. Thiếu cán bộ chuyên môn, việc triển khai, thực hiện, quản lý quy hoạch sẽ gặp không ít khó khăn.

Tháo dần những nút thắt

Quy hoạch treo, dự án treo là vấn đề chung của các tỉnh, thành phố trong nước. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương triển khai các giải pháp khắc phục. Ở Đắk Nông, nhiệm vụ này được UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng chủ trì.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông Phan Nhật Thanh, pháp luật quy định, việc triển khai quy hoạch là của chính quyền địa phương. Quy hoạch cấp huyện thì UBND huyện chủ trì lựa chọn đơn vị tư vấn để triển khai quy hoạch. Quy hoạch cấp xã thì UBND cấp xã chủ động lựa chọn đơn vị triển khai quy hoạch chi tiết và phân khu.

Nhưng với kinh phí hạn hẹp, chất lượng quy hoạch ở địa phương giai đoạn trước chưa cao. Muốn nâng cao chất lượng thì vấn đề đầu tiên là cần phải hỗ trợ kinh phí cho các địa phương.

Việc nâng cao chất lượng quy hoạch sẽ góp phần giảm tình trạng quy hoạch treo, dự án treo

Việc nâng cao chất lượng quy hoạch sẽ góp phần giảm tình trạng quy hoạch treo, dự án treo

Để đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trên, UBND cấp huyện phải khẩn trương xây dựng, bố trí dự toán ngân sách địa phương (nguồn chi thường xuyên) năm 2025.

Khi có kinh phí, các địa phương kịp thời đáp ứng kế hoạch triển khai quy hoạch trên địa bàn, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Sở Tài chính Đắk Nông cho rằng, UBND cấp huyện có trách nhiệm bố trí ngân sách để triển khai lập quy hoạch. Nếu khó khăn trong việc cân đối kinh phí thường xuyên, các huyện đề xuất để Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua hỗ trợ một phần để thực hiện.

Sau nút thắt kinh phí, việc nâng cao chất lượng quy hoạch đến từ chính vấn đề nhân sự. Trước mắt, người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở phải đặc biệt quan tâm tới quy hoạch.

Khi xác định quy hoạch mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội, việc lựa chọn tư vấn, lập quy hoạch sẽ có tính khả thi, đồng bộ hơn.

Để hỗ trợ các địa phương lập quy hoạch, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng đô thị mở lớp tập huấn.

Các học viên tham gia lớp tập huấn là lãnh đạo huyện, các phòng ban chuyên môn, lãnh đạo xã, công chức xây dựng và địa chính.

Theo kế hoạch, lớp tập huấn sẽ được tổ chức sớm. Các học viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức để nắm bắt quy trình, trình tự, nhiệm vụ triển khai các quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Lớp tập huấn sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ trong lập, quản lý, triển khai quy hoạch.

Tiếp đó, Sở Xây dựng sẽ thành lập các tổ xuống các huyện, thành phố để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương lập quy hoạch. Dự kiến tới tháng 10/2024, Sở Xây dựng sẽ có báo cáo UBND tỉnh cụ thể về thời gian, tiến độ, chất lượng các khâu trong quá trình lập quy hoạch để thực hiện các bước tiếp theo.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Đắk Nông phấn đấu hoàn thành việc lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị trên toàn bộ địa giới hành chính của TP. Gia Nghĩa và các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp, Cư Jút.

Tỉnh hoàn thành 4 quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa giới các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô, Tuy Đức. Có 46 xã sẽ lập quy hoạch chung, bảo đảm yêu cầu phủ kín quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư xây dựng.

Sau khi các địa phương lập xong quy hoạch, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Xây dựng có kế hoạch thanh tra các địa phương để hỗ trợ, nhắc nhở, chấn chỉnh các địa phương thực hiện đúng quy hoạch.

Nếu có bất cập phát sinh, Sở Xây dựng có nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương điều chỉnh theo quy định (từ 3 - 5 năm) trong giai đoạn 2028 - 2030.

UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở KH-ĐT tăng cường các giải pháp thẩm định, kiểm tra, giám sát và kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo. Sở TN-MT chủ trì việc rà soát các dự án vi phạm quy định về thời hạn thu hồi đất theo Luật Đất đai để đưa ra khỏi danh mục các dự án thu hồi đất. UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa rà soát, điều chỉnh các quy hoạch không khả thi, kéo dài nhiều năm trên địa bàn và các quy hoạch bất cập không triển khai thực hiện được.

Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông Phan Nhật Thanh khẳng định: "Hiện các sở, ngành, địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Chúng tôi tin tưởng thời gian tới, chất lượng quy hoạch sẽ nâng cao, giảm dần những tiêu cực, phàn nàn của doanh nghiệp, người dân về tình trạng quy hoạch treo, dự án treo".

Lê Phước

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/thao-go-quy-hoach-treo-de-dak-nong-phat-trien-226132.html