Tháo gỡ rủi ro và tranh chấp trong các dự án đầu tư PPP

Có nhiều rủi ro vướng mắc và phát sinh kiện tụng, tranh chấp mà các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) phải đối mặt trong thời gian qua. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý và khâu chính sách nên sớm có các động thái tháo gỡ để mang lại sự yên tâm cho các nhà đầu tư cũng như vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và xã hội.

CTCP Cienco4 là nhà đầu tư 2 dự án Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát và Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh theo hợp đồng xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).

Lấn cấn thanh, quyết toán

Theo thông tin mới đây, trong thời gian triển khai 2 dự án trên, nhà đầu tư này đã lập tổng dự toán theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 70/2011/NĐ-CP (mức lương này thấp hơn so với mức giá nhân công thực tế trên thị trường tại khu vực triển khai 2 dự án).

Các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP cần được sớm tháo gỡ các rủi ro vướng mắc cho nhà đầu tư vừa đảm bảo hài hòa lợi ích cho Nhà nước và xã hội.

Các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP cần được sớm tháo gỡ các rủi ro vướng mắc cho nhà đầu tư vừa đảm bảo hài hòa lợi ích cho Nhà nước và xã hội.

Và phía nhà đầu tư đã thực hiện thanh toán các chi phí phụ cấp không ổn định sản xuất cho các nhà thầu để trả cho người lao động.

Thế nhưng, Bộ GTVT vẫn chưa thực hiện thỏa thuận phần giá trị phụ cấp không ổn định (10%) để quyết toán cho nhà đầu tư. Việc quyết toán phần chi phí này đang bị “tắc” làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.

Từ câu chuyện nêu trên, giới chuyên gia nhận định việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng đang có bất cập giữa dự án PPP và dự án đầu tư hoàn toàn bằng vốn Nhà nước.

Trong khi đó, đơn giá nhân công xây dựng là như nhau và vận động theo quy luật thị trường (hiện đơn giá nhân công theo định mức vẫn thấp hơn nhiều so với giá nhân công thực tế).

Đây chính là vấn đề khiến việc thanh, quyết toán hàng chục dự án PPP đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều năm vẫn chưa hoàn tất.

Do chưa được Bộ GTVT thanh, quyết toán phần phụ cấp này, nên tại nhiều dự án BOT trước năm 2015, phía nhà đầu tư không thực hiện nghiệm thu thanh toán, giải ngân cho các đơn vị, nhà thầu thi công, nợ đọng xây dựng cơ bản thành dây chuyền, dễ phát sinh kiện tụng, tranh chấp.

Trong tháng 11/2021 Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng đối với dự án đầu tư theo phương thức PPP. Nếu được chấp thuận, điều này sẽ tháo gỡ vướng mắc cho công tác thanh, quyết toán đối với các dự án PPP giai đoạn từ năm 2005 - 15/5/2015.

Còn mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong đó lưu ý việc triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn tồn tại một số hạn chế, dẫn đến những lúng túng, vướng mắc trong việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Còn khúc mắc ở khâu chính sách

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn về dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực giao thông (trong đó có mẫu hợp đồng BOT) để áp dụng thống nhất đối với các dự án giao thông trọng điểm; hoàn thành trong quý I/2022.

Không chỉ lấn cấn với thanh, quyết toán, theo giới chuyên gia, các dự án PPP về hạ tầng hiện đang đối mặt rất nhiều rủi ro, vướng mắc về đất đai hạ tầng, về huy động vốn đầu tư, về triển khai xây dựng, về vận hành và khai thác, khâu chuyển giao, về chính sách pháp luật...

Bàn riêng về các rủi ro trong chính sách pháp luật trong các dự án PPP, luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, lưu ý pháp luật nói chung và pháp luật về PPP đang ở trong giai đoạn hoàn thiện, có rất nhiều thay đổi thường xuyên.

Điều này tạo ra những rủi ro, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án PPP và đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, theo ông Vinh, những thay đổi trong bộ máy quản lý công quyền ở các địa phương cũng là mối e ngại cho các nhà đầu tư.

Bởi vì các dự án PPP phải triển khai trong thời gian rất dài và đôi khi là kéo dài trong một vài nhiệm kỳ ở cấp địa phương. Và cứ mỗi một lần thay đổi nhiệm kỳ ở cấp quản lý địa phương như vậy thì có thể nhà đầu tư buộc phải đàm phán lại một số điều khoản dù trước đó đã được ký kết rồi.

“Đây là vấn đề mà chúng tôi đã gặp phải. Đơn cử như dự án điện rác Phú Thọ đã đàm phán ký kết xong rồi, nhưng sau đó phải xem xét lại và yêu cầu nhà đầu tư đàm phán lại”, ông Vinh nói.

Cũng theo vị luật sư này, rủi ro còn đến từ sự can thiệp của chính quyền địa phương vào hoạt động của dự án PPP. Khi có những vấn đề ảnh hưởng đến xung đột giữa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích của bên thứ ba hoặc lợi ích của xã hội thì chính quyền can thiệp. Thế nhưng sự can thiệp này thường bất lợi cho nhà đầu tư.

“Các rủi ro, phát sinh tranh chấp từ những dự án PPP đã nói nhiều, các cơ chế tranh chấp đều đã có. Vậy nhưng thực tiễn giải quyết tranh chấp vẫn có những quan điểm là nghiêng về bảo vệ lợi ích Nhà nước trong các dự án PPP và chưa quan tâm lợi ích thỏa đáng cho nhà đầu tư”, ông Vinh chia sẻ thêm.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thao-go-rui-ro-va-tranh-chap-trong-cac-du-an-dau-tu-ppp-1082537.html