THÁO GỠ SỚM NHỮNG TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC TRONG NHIỆM VỤ THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH

Tại phiên thảo luận ở Hội trường sáng 28/6, đa số các ý kiến ĐBQH tán thành việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề về nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Phân định rõ hai nhóm chính sách gồm hỗ trợ và khuyến khích

Đánh giá cao các quy định tại Điều 9 của dự thảo luật, đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa chỉ ra rằng, dự Luật đã bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, bao gồm: Hoạt động được Nhà nước hỗ trợ đầu tư và hoạt động khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được đổi mới và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia công tác quy hoạch.

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Tuy nhiên, nội dung này cần cụ thể hơn trong dự thảo Luật, phân định rõ hai nhóm chính sách là ưu tiên hỗ trợ và khuyến khích. Bổ sung các nội dung Nhà nước hỗ trợ, ưu tiên bố trí kinh phí cho một số hoạt động như: Lập quy hoạch gắn với tổ chức khu dân cư tại vùng khó khăn, chịu ảnh hưởng thiên tai; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và nâng cao kiến thức cộng đồng…

Đồng thời, nghiên cứu giản lược các quy định về thời hạn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; nhất là thời gian mang tính thủ tục hoặc chuyển sang quy định tại Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật để bảo đảm linh hoạt cho quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi và phù hợp với thực tiễn. Rà soát quy định về chuyển tiếp bảo đảm đầy đủ, thống nhất, xuyên suốt trong quá trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia ý kiến

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia ý kiến

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu rõ, tại Điều 9 về chính sách của Nhà nước trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 02 nhóm quy định về Nhà nước hỗ trợ đầu tư (khoản 1) và Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ cho một số hoạt động (khoản 2). Tuy nhiên, xét trên nhu cầu thực tế và yêu cầu thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu đề nghị cần phân định thành 03 nhóm chính sách là: Nhà nước đầu tư, Nhà nước hỗ trợ, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị tại Điều 9 bổ sung thêm một khoản quy định Nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị, nông thôn và quy định này sẽ là tiền đề cho Điều 10 của dự thảo Luật.

Giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt quy hoạch

Nghiên cứu sâu về nội dung quy định nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, đề nghị tại Điều 41 cần làm rõ hơn tiêu chí quy định tại điểm d khoản 1 về khu vực có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tại điểm c khoản 2 về khu vực có ý nghĩa quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đại biểu cho rằng cần phải làm rõ được những khu vực trên là những khu vực như thế nào và tiêu chí phân loại ra sao để làm cơ sở xác định thẩm quyền phê duyệt các loại quy hoạch theo quy định của dự thảo luật?

Tại điểm c khoản 2 Điều 41, đề nghị điều chỉnh thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực trong đô thị mới thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nhằm đẩy mạnh việc phân cấp cho các địa phương, hạn chế việc tập trung tại cơ quan cấp tỉnh và phù hợp với việc quản lý trực tiếp của địa phương hoặc quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện phê duyệt quy hoạch này đảm bảo đồng bộ và tích hợp với các quy hoạch khác trên địa bàn cấp huyện quản lý.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu

Tại Điều 45 hiện tại dự thảo Luật chỉ quy định những điều kiện điều chỉnh mang tính chất vĩ mô với 6 trường hợp. Tuy nhiên, theo thực tế của các địa phương, có một số vướng mắc khác cần được đề cập đến trong dự thảo luật để phù hợp với tình hình phát triển theo từng giai đoạn phát triển. Do đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm 3 điều kiện điều chỉnh quy hoạch sau đây: khắc phục những hạn chế thiếu sót của đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; quy hoạch được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình mới để phát triển kinh tế - xã hội hoặc để triển khai dự án như phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại của địa phương, đảm bảo khả thi khi triển khai công tác thu hồi đất; khi đồ án quy hoạch được phê duyệt đã hết thời hạn có hiệu lực.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu tách riêng 1 khoản quy định về điều kiện điều chỉnh quy hoạch cho trường hợp điều chỉnh quy hoạch của các dự án đầu tư. Điều này vừa đảm bảo tính chặt chẽ của quy định về công tác quy hoạch, vừa đảm bảo tính mềm dẻo, linh hoạt của quy định trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn khi dự án thực sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch. Việc điều chỉnh mang tính tất yếu, khách quan thì mới điều chỉnh chứ không phải điều chỉnh vì các lý do chủ quan hoặc chưa đánh giá kỹ tác động.

Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 46 có nêu “việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị và nông thôn được tiến hành trên cơ sở các điều kiện điều chỉnh quy hoạch quy định tại Điều 40 của luật này”. Đề nghị chỉnh sửa thành “trên cơ sở các điều kiện điều chỉnh quy hoạch quy định tại Điều 45 của luật này”. Theo dự thảo Luật thì tại khoản 1 Điều 46 có quy định việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở các điều kiện điều chỉnh tại Điều 45. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 46 không có quy định này đối với điều chỉnh cục bộ, do đó đề nghị làm rõ quy định khi điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch có phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định tại Điều 45 như dự thảo luật hay không hay căn cứ vào các quy định tiêu chuẩn, điều kiện nào để điều chỉnh cục bộ quy hoạch?

Đồng thời, tại điểm b khoản 2 điều này, đề nghị làm rõ nội dung các giải pháp quy hoạch chính của khu vực đã được lập, phê duyệt quy hoạch trong nhiệm vụ điều chỉnh cục bộ quy hoạch để làm cơ sở xác định rõ các trường hợp điều chỉnh quy hoạch tổng thể hay cục bộ, tránh hiểu nhầm hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc các đơn vị hậu kiểm sau khi hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch hoặc kiến nghị có định lượng rõ ràng để phân định các trường hợp điều chỉnh đồ án quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Cũng quan tâm về các loại hình điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 46, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung nội dung đối với dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo quy định của pháp luật về nhà ở được thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, nông thôn. Điều này sẽ giúp đảm bảo thực hiện dự án vào điểm b khoản 2 của điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Ngoài ra, đối với việc công bố quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 49, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng hiện nay có nhiều phương thức, hình thức khác nhau trong công bố quy hoạch. Về phương thức đăng tải, một số nơi đăng tải tương đối đầy đủ trên cổng thông tin điện tử các quyết định phê duyệt quy hoạch, bản đồ, thuyết minh đi kèm, kể cả các lần điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, cũng có nơi đăng tải chưa đầy đủ như chỉ đăng tải thông tin quyết định mà không có bản đồ hoặc chỉ đăng bản đồ mà không có thuyết minh, hoặc chỉ đăng các bản đồ quy hoạch mới mà không có thông tin về các lần điều chỉnh, ít nơi đăng tải các lần điều chỉnh cục bộ. Điều này sẽ gây khó khăn cho các tổ chức và người dân khi muốn tra cứu thông tin quy hoạch. Do đó, kiến nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung tại khoản 3 Điều 49 dự thảo luật theo hướng quy định rõ nội dung, tiêu chí công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử, cần thiết đăng tải đầy đủ các quyết định, bản đồ thuyết minh của các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều chỉnh cục bộ.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87691