Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Ngày 17/2, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái,Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS. Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng nêu rõ: Thị trường BĐS có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Theo thống kê, đóng góp của ngành Xây dựng và BĐS trong GDP các năm gần đây đạt khoảng 11%. Năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung-cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu.

Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép, 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng, 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.

Đối với dự án nhà ở xã hội, có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ, 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng và 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Giá BĐS, đặc biệt là nhà ở, đất nền liên tục tăng trong quý I và II, quý III chững lại và quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều. Mỗi căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, chiếm 37% thị trường; căn hộ trung cấp có giá khoảng từ 25-50 triệu đồng/m2, chiếm 15%; căn hộ bình dân, giá rẻ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như không có.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS tính đến 31/12/2022 là gần 800.000 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực BĐS cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD.

Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực thị trường BĐS, như: Cơ cấu phân khúc BĐS đang lệnh, giá cả chưa phù hợp với thu nhập của người dân; công tác quản lý thị trường BĐS của các cấp chính quyền một số nơi chưa thực sự hiệu quả, quy hoạch các dự án còn chậm; một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn…

Để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm thực hiện. Riêng các doanh nghiệp BĐS phải tập trung tháo gỡ những khó khăn trước mắt cũng như các vấn đề lâu dài, tuân thủ quy luật của thị trường, cơ cấu lại phân khúc nhà ở hợp lý; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho khách hàng.

Đối với các cấp chính quyền cần tăng cường quản lý nhà nước trong việc quy hoạch, kiểm tra, giám sát, bổ sung hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp BĐS. Đối với các ngân hàng cần phải huy động thêm nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau, giảm lãi, giãn lãi cho vay đối với các doanh nghiệp BĐS…

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202302/thao-go-va-thuc-day-thi-truong-bat-dong-san-phat-trien-an-toan-lanh-manh-ben-vung-2207260/