Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng
Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Nhà thầu tổ chức thi công đường liên kết vùng đoạn qua xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi.
Dự án đường liên kết vùng có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Hòa Bình 1.620 tỷ đồng. Quy mô đầu tư được chia làm 2 đoạn tuyến (đoạn Km0 - Km32 từ TP Hòa Bình đến huyện Kim Bôi và đoạn Km0 - km19 từ TP Hòa Bình đến huyện Đà Bắc), chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (Km0 - Km32 từ huyện Kim Bôi đến nút giao với cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình) đã khởi công từ ngày 26/2/2023.
Đồng chí Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Ban Quản lý đang nỗ lực cao nhất phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn về GPMB, các thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa, giải quyết vấn đề vật liệu đất đắp, đôn đốc nhà thầu tổ chức thi công những vị trí có mặt bằng. Nhà thầu đang tổ chức thi công trên tuyến, tổng giá trị thi công 234,1/1.666 tỷ đồng, đạt khoảng 14% giá trị hợp đồng. Hiện nhà thầu đang tổ chức thi công tại 13 vị trí cầu (10 vị trí đã cơ bản hoàn thành), 2 vị trí hầm chui trên, cống bản lớn và hạng mục nền đường tại các vị trí: Km3+900 - Km4+600; Km5 - Km6+620; Km8 - Km8+400; Km16+388,90 - Km16+448,97; Km18+300 - Km19+900.
Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyệnKim Bôi cho biết: Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB, xây dựng tái định cư. Dự án đi qua địa bàn huyện 16,3 km, đến nay huyện đã kiểm đếm 1.004/1.004 hộ gia đình, cá nhân, đạt 100%; phê duyệt 21 quyết định phương án bồi thường đất và tài sản trên đất với giá trị 68 tỷ đồng; bàn giao cho nhà thầu thi công 5,26 km (đạt khoảng 34%). Bên cạnh đó xây dựng 3 tiểu dự án xây dựng khu tái định cư tại xã Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng, đã lựa chọn được nhà thầu xây lắp. Đơn vị thi công đang thi công dự án tái định cư tại xóm Sống, xã Vĩnh Đồng. Nhìn chung người dân đồng thuận ủng hộ dự án. Tuy nhiên vẫn còn có ý kiến so sánh với mức đền bù hỗ trợ tại khu vực giáp ranh huyện Lương Sơn.
Hiện, đối với huyện Lương Sơn đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền 25,7 tỷ đồng (đã chi trả cho các hộ 24,46 tỷ đồng); bàn giao cho nhà thầu thi công 1,7/8,2 km (đạt 20,8%). UBND TP Hòa Bình đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giá trị đạt trên 11,1 tỷ đồng. Hiện đang hoàn thiện thủ tục để tiến hành chi trả bồi thường.
Khó khăn nhất của dự án là GPMB, việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, quy chủ sử dụng đất còn gặp khó khăn, mất nhiều thời gian, thị trường bất động sản có nhiều biến động, một số nơi đất nông nghiệp được mua bán với giá thị trường cao hơn đơn giá Nhà nước quy định nên khi Nhà nước thu hồi, áp giá theo quy định người dân đã so sánh và chưa chấp hành đơn giá do Nhà nước quy định.
Tại cuộc kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh mới đây, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các dự án giao thông trọng điểm có vai trò rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển KT-XH, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là GPMB và thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, chuyển đổi đất rừng, đất lúa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án. Các ngành, địa phương cần phải rõ vai, thuộc bài trong quá trình phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Các sở, ngành, đơn vị, UBND các địa phương khẩn trương hoàn thiện dự toán để phê duyệt chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng tại các vị trí đã kiểm kê, đo đạc để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư theo từng đoạn tuyến, bên cạnh đó quan tâm công tác tái định cư, đảm bảo cuộc sống người dân bị ảnh hưởng tốt hơn nơi ở cũ. Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực khẩn trương triển khai thi công tại các vị trí đã được bàn giao mặt bằng. Các cấp, ngành, địa phương, chủ đầu tư tăng cường phối hợp tham mưu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch theo từng tháng, quý; tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ thi công dự án phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/188479/thao-go-vuong-mac-duong-lien-ket-vung.htm