Thảo luận dự án Luật Thi đua-Khen thưởng và Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/10, sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở tổ dự án Luật Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi), dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cùng các ĐBQH tỉnh tham dự, thảo luận tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

 Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị việc xét khen thưởng phải xứng đáng, tạo động lực cho các tập thể, cá nhân phấn đấu

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị việc xét khen thưởng phải xứng đáng, tạo động lực cho các tập thể, cá nhân phấn đấu

Thảo luận dự án Luật Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi), ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật nhằm đáp ứng với yêu cầu tình hình mới nhưng cần bảo đảm tính công bằng, tạo động lực thi đua trong mỗi cá nhân, tập thể.

Theo đồng chí Ngô Thanh Danh, luật cần thể hiện rõ ràng hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác thi đua, khen thưởng là hướng đến đối tượng trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, cơ sở. Việc xét thi đua khen thưởng phải thực chất, đối tượng được khen thưởng phải xứng đáng, có cống hiến, tạo động lực cho các tập thể, cá nhân tiếp tục phấn đấu đạt những thành tích cao hơn, tránh tình trạng hình thức, “đến hẹn lại lên” theo kiểu phong trào trong khen thưởng.

 Đại biểu Dương Khắc Mai thảo luận, đóng góp dự án Luật Điện ảnh

Đại biểu Dương Khắc Mai thảo luận, đóng góp dự án Luật Điện ảnh

Đối tượng điều chỉnh của luật rất rộng, nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cơ quan Nhà nước, nên chưa bao quát đông đảo đối tượng là người trực tiếp lao động sản xuất như nông dân, công nhân và trí thức.

 Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ

Đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐBQH tỉnh góp ý một số nội dung vào chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, đào tạo nguồn nhân lực, những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, ban soạn thảo cần rà soát các trường hợp thực tiễn để bổ sung thêm vì hiện nay, có nhiều cơ quan, tổ chức tại địa phương ngoài UBND cấp tỉnh vẫn có nhu cầu đặt hàng sản xuất phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, kỷ niệm...

Đối với sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước nên được thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Hiện nay, việc sản xuất phim không chỉ do đơn vị nhà nước đảm nhiệm mà còn có các công ty tư nhân. Việc quy định phương thức đấu thầu là kết hợp, gắn liền nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước với phát huy tính năng động, sáng tạo của nhà làm phim…

 Đại biểu Phạm Thị Kiều thảo luận, góp ý Luật Thi đua-Khen thưởng

Đại biểu Phạm Thị Kiều thảo luận, góp ý Luật Thi đua-Khen thưởng

Đồng chí Ngô Thanh Danh cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, việc tiếp cận các sản phẩm điện ảnh của công chúng, người dân dễ dàng hơn. Trong khi đó việc kiểm duyệt nội dung các sản phẩm điện ảnh chưa theo kịp. Nhiều nội dung xấu độc, không phù hợp với từng đối tượng xuất hiện tràn lan trên mạng. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu có quy định pháp luật, chế tài để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với các sản phẩm điện ảnh.

Tin, ảnh: Phan Tân

1,522

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/thao-luan-du-an-luat-thi-dua-khen-thuong-va-luat-dien-anh-sua-doi-89741.html