Thảo luận, góp nhiều ý kiến cho các dự thảo Luật và Nghị quyết quan trọng

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, chiều ngày 15-5, Quốc hội thảo luận ở tổ xoay quanh 3 nội dung chính: Dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận góp ý kiến cho các nội dung này.

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THAM GIA LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Việc Lực lượng Vũ trang nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên Hợp quốc; đồng thời, là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng Vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Chính phủ đối với dự thảo Luật này. Đồng thời, góp ý kiến vào các quy định cụ thể như về tuyển chọn lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; quy trình cử luân phiên, thay thế; cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn việc quy định đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc...

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, đây là dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị rất kỹ, công phu dựa trên những căn cứ thực tiễn cũng như lý luận và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các quy định của dự án Luật rất toàn diện. Đại biểu cũng nhấn mạnh ý nghĩa lớn lao của dự án Luật, không chỉ tác động trong phạm vi Việt Nam mà còn đối với hoạt động của Liên Hợp quốc và cách cộng đồng quốc tế nhìn nhận về Việt Nam.

Bên cạnh sự đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng đề xuất cần rà soát kỹ hơn, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam thời gian qua để có những quy định sát nhất. Đồng thời, đặc biệt lưu ý đến khía cạnh bình đẳng giới, đánh giá dự án Luật này "rất là nhạy cảm giới" với các quy định rõ ràng về nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới, cấm phân biệt đối xử về giới và chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia. Đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 4 nguyên tắc ưu tiên bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương tại những nơi lực lượng Việt Nam đến làm nhiệm vụ. Đồng thời, rà soát lại Điều 6 về hình thức và lĩnh vực tham gia, bổ sung thêm các chuyên gia giỏi của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các đại biểu cũng bày tỏ sự nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm đảm bảo hành lang pháp lý chặt chẽ và nguồn lực cho hoạt động này. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về đối tượng điều chỉnh, cụ thể là việc đưa cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình, trong khi Hiến pháp chủ yếu đề cập đến Lực lượng vũ trang (Quân đội và Công an). Đại biểu đề xuất nên tách khối dân sự ra và điều chỉnh bằng một văn bản quy phạm pháp luật khác...

GÓP Ý 2 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

Thảo luận vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu đánh giá việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới công tác xây dựng pháp luật, đồng thời, nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính; bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó, tạo bước đổi mới đột phá, chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, đại biểu cũng tập trung phân tích về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Có ý kiến cho rằng tên Nghị quyết rộng hơn phạm vi điều chỉnh, khi Điều 1 chỉ quy định cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho hoạt động xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật. Đại biểu đề nghị làm rõ hơn việc hỗ trợ đối với người tổ chức thi hành pháp luật và cho rằng việc chỉ hỗ trợ hoạt động tổ chức thi hành pháp luật có liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật là chưa thỏa đáng. Về đối tượng được hỗ trợ hằng tháng ở địa phương, đại biểu cho rằng quy định hiện tại còn hạn hẹp và đề nghị bổ sung thêm cán bộ pháp chế ở các sở, ngành và các Ban khác của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất cần rà soát lại các nhiệm vụ, hoạt động áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo tính thường xuyên liên quan đến xây dựng và thực thi pháp luật. Nghị quyết nên có một điều quy định rõ về đối tượng áp dụng để tránh lẫn lộn. Về nguyên tắc áp dụng, đại biểu cho rằng, cần cụ thể hóa nguyên tắc quản trị và Quốc hội không nên quy định chi tiết mức khoán chi cho từng văn bản mà nên giao Chính phủ quy định. Đồng thời, đề xuất bổ sung nội dung chi cho việc đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành luật và việc nhà nước nên hỗ trợ một phần vốn điều lệ cho quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách pháp luật thay vì đảm bảo toàn bộ.

Đối với Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu cho biết, dự thảo Nghị quyết cơ bản thể chế hóa được mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào 5 nhóm chính sách lớn đó là: Cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong…

Nhìn chung, phiên thảo luận đã diễn ra dân chủ, thẳng thắn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, với mong muốn hoàn thiện các dự thảo Luật, Nghị quyết, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi được ban hành và đi vào cuộc sống. Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp để các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo và sẽ được thảo luận tại hội trường trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/thao-luan-gop-nhieu-y-kien-cho-cac-du-thao-luat-va-nghi-quyet-quan-trong-1042631/