Thảo luận sôi nổi tại các tổ đại biểu Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XVII

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XVII, chiều 10/7, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết (NQ) liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trình tại kỳ họp.

Các đại biểu chia thành 3 tổ thảo luận các báo cáo, tờ trình dự thảo NQ trình tại kỳ họp. Phiên thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi, nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, có tính xây dựng cao.

Các đại biểu chia tổ thảo luận các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

Các đại biểu chia tổ thảo luận các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

Qua nghiên cứu, thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình và dự thảo NQ trình kỳ họp. Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), ghi nhận, đánh giá dù còn nhiều khó khăn song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng.

HĐND tỉnh đã ban hành nhiều NQ liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả thiết thực đối vơi người dân, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững... Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn đề nghị báo cáo cần bổ sung, làm rõ, đúng, trúng hơn những hạn chế, nguyên nhân tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trên các lĩnh vực như: trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH, các chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG), công trình, dự án trọng điểm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; các khoản thu từ đất và tài sản trên đất gặp khó khăn; cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp hơn so với các tỉnh, thành phố; tình trạng thiếu hụt giáo viên vẫn xảy ra cục bộ tại một số địa bàn; an ninh, trật tự xã hội tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp... Đề xuất các giải pháp đối với từng lĩnh vực, vấn đề để triển khai phương hướng, nhiệm vụ cuối năm 2024.

Đánh giá các dự thảo NQ đưa ra phù hợp với tình hình thực tiễn, thu hút sự quan tâm cao của cử tri, có tính khả thi cao; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống đem lại hiệu quả cao sau khi được ban hành.

Đại biểu Bế Thanh Tịnh.

Đại biểu Bế Thanh Tịnh.

Đại biểu Bế Thanh Tịnh: Đối với thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh, tăng trưởng GRDP đạt thấp hơn 3,46% so với mục tiêu bình quân cả năm (8%) do đó, cần có giải pháp cụ thể, sát thực tế để đạt được chỉ tiêu đề ra. Trong phát triển nông nghiệp chưa có những đột phá, cần làm rõ những hạn chế để có giải pháp đột phá trong thời gian tới. Việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh đang bị chững lại, từ đầu năm đến nay chưa có thêm xã nông thôn mới đạt 19 tiêu chí; các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao còn ít và việc công bố sản phẩm chưa gắn với thương hiệu, nhu cầu thị trường, chưa hình thành vùng động lực để tạo ra hàng hóa, cần quan tâm để vừa đảm bảo chất lượng, số lượng.

Đối với dự thảo NQ ban hành quy định mức chi bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, đại biểu đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan xem xét, tham mưu và triển khai thực hiện cần đổi mới công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật, không đi theo lối mòn, quan tâm đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Đại biểu Sầm Minh Hồ.

Đại biểu Sầm Minh Hồ.

Đại biểu Sầm Minh Hồ: Việc triển khai các CTMTQG trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình đạt thấp, quá trình triển khai còn bộc lộ một số bất cập, như: Hồ sơ các DA thực hiện chương trình chưa đúng quy trình; tổ cộng đồng tại địa phương thiếu năng lực trong trực tiếp thực hiện bước các thủ tục DA, tiểu DA; cung ứng cây, con giống không đạt tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng, tình trạng DA “chồng” DA, năng lực nhà thầu chưa đáp ứng... Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm pháp luật, triển khai không hiệu quả, lãng phí ngân sách. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, có giải pháp đối với những vấn đề này để phát huy mạnh mẽ tinh thần cộng đồng trách nhiệm; phát huy trò giám sát của HĐND, cùng hướng tới mục tiêu thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh đúng quy định và có hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân.

Đại biểu Hoàng Thị Bình.

Đại biểu Hoàng Thị Bình.

Đại biểu Hoàng Thị Bình: Nông nghiệp là một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế, phát triển nông nghiệp được NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định là 1 trong 3 nội dung đột phá. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển nông nghiệp còn nhiệu hạn chế, chưa khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương. Ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo tăng diện tích trồng các cây trồng chủ lực, nâng cao giá trị nông sản; có giải pháp cụ thể tìm hướng tiêu thụ nông sản, đảm bảo quyền lợi cho người dân; đăng ký mã số vùng trồng cho một số sản phẩm nông sản có tiềm năng xuất khẩu nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Nhấn mạnh đến việc cần chú trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tận gốc những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Trong đó, đối với chậm tiến độ triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Tập đoàn TH tại xã Đại Sơn, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) được cử tri kiến nghị trong nhiều kỳ họp, đề nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện để thúc đẩy nhanh tiến độ DA, tạo việc làm ổn định tại chỗ, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân vùng DA.

Đại biểu Đỗ Văn Thắng.

Đại biểu Đỗ Văn Thắng.

Đại biểu Đỗ Văn Thắng: Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, cần quan tâm quản lý tốt các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn một cách đồng bộ. Quan tâm công tác đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, định hướng ngành nghề cho học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương... Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, chú trọng về nguồn lực, hoạt động tập huấn về công tác chuyển đổi số. Đánh giá cụ thể, chi tiết những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến kết quả các chỉ số cải cách hành chính thấp, từ đó có các giải pháp quyết liệt để nâng cao các chỉ số, trong đó cần nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan đơn vị.

Đại biểu cũng cho rằng một số DA trên địa bàn Thành phố cần điều chỉnh lại để phù hợp với quy hoạch chung tỉnh; UBND tỉnh cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm đối với các DA chậm triển khai.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hà.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hà.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hà: Theo thống kê của tỉnh, hiện có 96 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trải đều ở các địa phương. Với định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với tham quan các di tích, tuy nhiên, hiện nay một số di tích xuống cấp. Đề nghị tỉnh trong thời gian tới quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu, bố trí nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã xuống cấp.

Liên quan đến xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Thành phố, theo quy định hiện vướng mắc về 2 tiêu chí 100% phường trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh, đất cây xanh sử dụng công cộng cho đô thị tối thiểu 5 m2/người. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan rà soát, tổng hợp để có kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét lại các tiêu chí phù hợp thực tế Thành phố cũng như các địa phương.

Đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo triển khai các biện pháp quyết liệt, chế tài mạnh hơn đối với tình trạng một số doanh nghiệp chây ì không thực hiện trả lại đất thuê, nợ tiền lương nhân công mà cử tri và địa phương cũng đã có ý kiến kiến nghị xử lý nhiều lần chưa được giải quyết.

Đối với dự thảo NQ quyết định số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định 111/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2022 tại các cơ sở giáo dục mầm non do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đề nghị xem xét, bố trí nguồn lực và điều chỉnh dự thảo Nghị quyết để số giáo viên hợp đồng tại Thành phố (thuộc nhóm 3 - đang công tác tại đơn vị công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên) được hưởng chính sách từ NQ này.

Đại biểu Bế Xuân Tiến.

Đại biểu Bế Xuân Tiến.

Đại biểu Bế Xuân Tiến: Đề nghị cần có giải pháp cụ thể hơn trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là vốn kéo dài, vốn sự nghiệp các CTMTQG; xem xét lại chỉ tiêu đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà.

Thực hiện các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều khó khăn, nhất là áp dụng các tiêu chí mới. Vấn đề đặt ra cần sớm có giải pháp, kế hoạch cụ thể, tiến hành rà soát lại và dự báo trước về khả năng thực hiện. Từ đó, đặt ra những mục tiêu cụ thể, xác định rõ xã có khả năng thực hiện để tập trung trọng tâm vào chỉ đạo, điều hành, tâp trung nguồn lực thực hiện thì mới có thể đạt được tối đa các mục tiêu đã đề ra.

Đối với các dự thảo NQ trình kỳ họp liên quan vốn đầu tư điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công, cần quan tâm các quy định trong Luật Đầu tư công về bố trí vốn cho các DA kéo dài giai đoạn 2016 - 2020. Trong bối cảnh đặt ra của cả nước và tỉnh, việc thu cân đối cho những nhiệm vụ chi gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy trong thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có một số DA thiếu vốn bố trí. Mong muốn đối với các DA khởi công mới, cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở ưu tiên cho danh mục DA đã nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Nông Văn Bộ.

Đại biểu Nông Văn Bộ.

Đại biểu Nông Văn Bộ: Nhất trí cao với các nội dung dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư DA xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật cảnh quan Khu du lịch thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); việc ban hành là cần thiết, góp phần tạo cơ chế phát triển khu du lịch để có sự tương quan với phía nước Trung Quốc, mở rộng hợp tác, kết nối phát triển kinh tế của tỉnh với cả nước và quốc tê. Nhưng cần quan tâm, rà soát và tính toán kỹ lưỡng đầu tư mang tính tổng thể, nhất là vấn đề bố trí tái định cư cho người dân.

Dự thảo NQ về lựa chọn thí điểm phân cấp cho huyện Trùng Khánh, Hà Quảng trong quản lý thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2024 - 2025 khi ban hành huyện sẽ có một số cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng có nhiều khó khăn và áp lực cho địa phương trong thực hiện bởi một số chỉ tiêu của chương trình cao. Do đó, cần có sự hỗ trợ của tỉnh để huyện hoàn thành mục tiêu đề ra.

Các ý kiến góp ý thảo luận của các đại biểu được tổng hợp để báo cáo vào ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XVII.

Ngày mai (11/7), kỳ họp tiếp tục thảo luận chung tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn; lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu giải trình các ý kiến thuộc thẩm quyền. Báo Cao Bằng Điện tử tiếp tục thông tin nội dung kỳ họp tới bạn đọc.

T.L - T.H - V.T

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thao-luan-soi-noi-tai-cac-to-dai-bieu-tai-ky-hop-thu-20-hdnd-tinh-khoa-xvii-3170570.html