THẢO LUẬN TẠI TỔ 06: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG, TÍNH KHẢ THI CỦA TỪNG GIẢI PHÁP TÀI KHÓA, TIỀN TỆ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 04/01, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Tổ số 06 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hà Giang, Hậu Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp và Đắk Lắk. Các đại biểu Quốc hội trong Tổ nhất trí cao với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Các đại biểu cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ góp phần khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn; phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023. Cụ thể, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Mặc dù Đảng, Nhà nước ta thời gian qua đã đưa ra các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhưng những chính sách trỗ trợ này vẫn mang tính ngắn hạn. Do vậy, để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn, việc dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như Chính phủ đề xuất là cẩn thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cũng cho rằng, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động lên kinh tế-xã hội của nước ta rất nặng nề. Kinh tế nước ta rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Do vậy, làm sao để vực dậy, phục hồi nền kinh tế đã trở thành mối quan tâm của toàn hệ thống chính trị; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là cần thiết. Tuy nhiên cần đảm bảo được tính công bằng nhất định khi triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ giữa các địa phương; giữa các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Về các nhóm giải pháp chủ yếu, các đại biểu Quốc hội trong tổ cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Chính phủ đề xuất, tuy nhiên để nghị Chính phủ bổ sung thêm lộ trình thực hiện cụ thể. Liên quan đến nhóm giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến các chính sách hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tránh ùn ứ các sản phẩm nông nghiệp như thời gian vừa qua, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu rà soát các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19 để xem xét giảm thuế; nghiên cứu các chính sách hoàn thuế cho người tiêu dùng. Cùng với đó là cần làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp tiền tệ và có đánh giá tác động cụ thể hơn về các giải pháp này.

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại tổ

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại tổ

Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần tính đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế; tập trung vào những dự án quan trọng, những dự án đang dang dở có khả năng hoàn thành; những dự án có khả năng hấp thụ ngay…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đặc biệt đề nghị Chính phủ đánh giá rõ tác động, tính khả thi của từng giải pháp. Đồng thời ưu tiên các dự án có tác động lớn tới nền kinh tế, tạo được nhiều công ăn, việc làm cho người lao động; quan tâm, chú trọng đến công tác triển khai, thực hiện bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm đúng thời gian tiến độ, và hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế…

Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Tổ trưởng tổ số 6 ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội; cho rằng các ý kiến thảo luận tại tổ rất phong phú, đa dạng, có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng. Tổ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Tổ Thư ký khẩn trương tổng hợp đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu góp ý ngay sau phiên họp./.

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=61574