THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ SỬA ĐỔI - ĐẢM BẢO GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng nay (02/11), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tổ 14 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Phước. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh điều hành phiên họp.
THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: CHƯA CẦN THIẾT PHẢI LẬP LIÊN ĐOÀN HỢP TÁC XÃ
Góp ý Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc về lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi đối với một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp cần lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử như: tư pháp, đất đai, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch… các giấy tờ như: giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, khi cấp cần phải có mặt của những người có liên quan để thể hiện ý chí cá nhân một cách tự nguyện, không bị áp đặt hoặc chi phối bởi người khác; một số giấy tờ có thông tin liên quan đến “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” mà theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết thêm, nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng chưa chưa công nhận giao dịch điện tử ở lĩnh vực đất đai, thừa kế.
Về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử (Điều 35) đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về một số nội dung như thời điểm hiệu lực, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, quy định trường hợp hợp đồng vô hiệu, cách thức xử lý trong trường hợp phát sinh lỗi khi nhập thông tin trong giao kết hợp đồng điện tử để đảm bảo giá trị pháp lý của Hợp đồng điện tử.
Với tính chất đặc thù trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, một số trường hợp yêu cầu Hợp đồng thế chấp tài sản phải có công chứng bởi tổ chức hành nghề công chứng, trong khi đó Luật Công chứng hiện hành chưa có quy định về công chứng thông điệp điện tử. Do đó, việc áp dụng Hợp đồng điện tử đối với các loại hợp đồng yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật hiện hành chưa thực hiện được.
Về chữ ký điện tử, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cần phân biệt rạch ròi giữa “Chữ ký số dùng riêng, Chữ ký số công cộng, Chữ ký số chuyên dùng cho Chính phủ”. Nghiên cứu thay tên Điều 26 “Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” bằng “Chữ ký số chuyên dùng công vụ” để phù hợp với phạm vi sử dụng chữ ký số chuyên dùng hiện nay gồm cả cơ quan Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội.
Cho ý kiến đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị ban soạn thảo xem xét lại tính hợp lý của quy định tại Điều 44 về Hợp đồng bán hàng tận cửa: “Hoạt động bán hàng tận cửa phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản và cung cấp cho người tiêu dùng một bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Đại biểu Nguyễn Phú Cường lý giải, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng mua hàng online trên các sàn giao dịch điện tử rất nhiều vì rất thuận tiện trong khi đó dự thảo luật lại quay trở lại bắt người tiêu dùng làm hợp đồng, điều này là không phù hợp với tình hình thực tế.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, lâu nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù đã có Luật nhưng có những hành vi vi phạm vẫn diễn ra liên tục, thậm chí có cả sự làm ngơ của cơ quan quản lý.
“Ví dụ chuyện chúng ta bán bia kèm lạc khi khan hiếm hàng ô tô, chẳng hạn người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn, hàng trăm triệu để mua thêm các phụ kiện đi kèm, trả tiền chênh thêm để được lấy xe trước. Chuyện này cơ quan quản lý không phải là không biết. Rồi bây giờ tất cả các xe của hãng Honda bán chênh với giá niêm yết của hãng có khi lên đến cả mấy chục triệu. Khai thuế theo giá niêm yết nhưng bán cho người dân với giá đội lên cao. Như vậy có nghĩa sự vi phạm diễn ra công nhiên, công khai và kéo dài liên tục” – đại biểu Tringj Xuân An dẫn chứng.
Do đó đại biểu An cho rằng dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi lần này cần tính toán xử lý được cả các hành vi vi phạm mang tính chất rõ rệt như trên.
Về bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương tại Điều 7, đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng việc bổ sung quy định này thể hiện tính nhân văn của dự thảo luật, tuy nhiên cần bổ sung thêm một đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương khác là người nghèo.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, việc đưa người nghèo vào nhóm người dễ bị tổn thương là phù hợp, vì người nghèo còn được xem là dễ bị tổn thương hơn bất kỳ nhóm nào khác trước các vấn đề như thảm họa thiên nhiên, bệnh tật phát sinh, sức khỏe, thu nhập bị giảm, sự đối xử bất công...
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị cần xem xét lại tính khả thi của quy định tại khoản 1 Điều 72: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về việc khởi kiện và chịu trách nhiệm về thông tin do mình công bố, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh”.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, khi thông báo công khai về việc khởi kiện thì tổ chức tổ chức, cá nhân kinh doanh là bị đơn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc yêu cầu “đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường” là không khả thi. Trên thực tế đã có những vụ việc tổ chức, cá nhân kinh doanh là bị đơn nhưng sau khi Tòa án ra quyết định thắng kiện vẫn bị thiệt hại không nhỏ cả về danh tiếng và lợi ích kinh doanh. Do đó, cần cân nhắc, xem xét lại quy định này nhằm vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân vừa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70162