THẢO LUẬN TẠI TỔ 7: ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TOÀN DIỆN VÀ KỸ LƯỠNG, ĐƯA RA ĐỊNH HƯỚNG ĐÚNG ĐẮN CHO TỪNG LĨNH VỰC

Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 06/01/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại tổ 7, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có đánh giá toàn diện và kỹ lưỡng thực trạng phát triển của từng lĩnh vực, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn để đưa ra định hướng đúng đắn trong công tác quy hoạch.

TỔNG THUẬT SÁNG 05/01: KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 07 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn ĐBQH các tỉnh Yến Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp. Đại biểu Đỗ Đức Duy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái làm Tổ trưởng điều hành nội dung thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, nội dung Báo cáo tổng hợp quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia, tuy nhiên, cần bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh… làm cơ sở xây dựng phương án quy hoạch.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu làm rõ hơn nội dung về phân bố không gian, phân vùng và liên kết vùng, các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Nêu thực trạng về tình hình chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương, các đại biểu kiến nghị cần có sự chú trọng xứng đáng và có giải pháp cụ thể, khả thi, căn cơ, lâu dài cho vấn đề này.

Quan tâm đến nội dung về mục tiêu phát triển đến năm 2030, các đai biểu đề nghị cần có định hướng, mục tiêu rõ ràng, cụ thể trong việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi… Nhấn mạnh con người là nhân tố quan trọng quyết định trình độ phát triển đất nước, các đại biểu cho rằng, với tầm nhìn đến năm 2050, cần chú trọng mục tiêu về giáo dục, đào tạo, phát triển con người toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cần làm rõ hơn việc ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ về phát triển hạ tầng giáo dục, y tế trong việc hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc đánh giá cụ thể từng vấn đề, nêu rõ tồn tại, hạn chế, khó khăn của từng lĩnh vực trong quy hoạch tổng thể quốc gia là rất quan trọng, qua đó có được cái nhìn toàn diện, khái quát, đưa ra định hướng đúng đắn cho công tác quy hoạch. Theo đại biểu, trong đánh giá thực trạng, cần chú trọng trục kinh tế trọng điểm, hàng lang kinh tế, vùng kinh tế làm rõ những bất cập, khó khăn trong tổ chức, triển khai thực tiễn, để có cơ sở xác đáng định hướng cho thời gian tới.

Đại biểu Phạm Văn Hòa và một số đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá hiệu quả của việc phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực cụ thể trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, để từ đó có biện pháp phù hợp thu hút nhân tài, sử dụng lao động hiệu quả, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu trong nước. Đồng thời, cần đánh giá việc khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất, làm rõ trữ lượng để có các kế hoạch dự bị lâu dài, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Các đại biểu cũng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung quan trọng, phức tạp, có phạm vi rộng, liên quan đến trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành cũng như lợi ích của người dân, nên cần bố trí thời gian phù hợp để thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất cao khi ban hành và triển khai Nghị quyết.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Lê Văn Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị cần xem xét kỹ để thông qua nội dung này theo quy trình 2 Kỳ họp. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia nên bổ sung tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây 2 vào quy hoạch, bởi tuyến hành lang kinh tế này là tuyến ngắn nhất của các địa phương vùng miền Trung kết nối với các nước láng giềng để có điều kiện phát triển kinh tế vùng, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân địa phương.

Đại biểu Lê Văn Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Lê Văn Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đối với định hướng phát triển và phân bổ không gian các ngành quan trọng, đại biểu Lê Văn Dùng cùng một số đại biểu đề nghị bổ sung việc phát triển công nghiệp dược liệu, hình thành các cụm liên kết ngành sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp hiện nay sang đất công nghiệp đối với các vùng kinh tế trọng điểm.

Một số ý kiến cho rằng, trong định hướng phát triển ngành công nghiệp, việc lựa chọn các ngành ưu tiên còn dàn trải, do đó, cần rà soát, thu hẹp danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái, làm rõ hơn các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đối với khối ngành du lịch, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung định hướng phát triển hệ thống các khu du lịch quốc gia; hạ tầng du lịch; xây dựng các hành lang di sản, các sản phẩm trong hành lang di sản.

Bảo vệ môi trường tiếp tục là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong thảo luận quy hoạch tổng thể quốc gia. Theo ý kiến của các đại biểu, cần bổ sung dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh theo các thời kỳ quy hoạch làm cơ sở định hướng quản lý cho các loại chất thải rắn, đặc biệt là xử lý chất thải rắn nguy hại nên xem xét theo hướng liên vùng. Với định hướng phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung định hướng để có phương án giảm nhẹ tác động của thiên tai và chủ động thích ứng với những tác động thiên nhiên; bổ sung định hướng đối với các đô thị theo khu vực có điều kiện tự nhiên đặc thù như khu vực đồng bằng, trung du, miền núi.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm tới định hướng phát triển không gian biển, đồng thời đề nghị cần có định hướng cụ thể hơn việc sử dụng không gian biển cho một số lĩnh vực dựa trên tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên của từng vùng biển. Nêu rõ phát triển kinh tế cần song hành đảm bảo an ninh, các đại biểu đề nghị việc phát triển các khu đô thị ven biển, đô thị đảo, kinh tế đảo phải gắn với an ninh, quốc phòng, àm rõ vai trò của các cảng nước sâu, các khu kinh tế biển và sự liên kết giữa các ngành sử dụng không gian biển. Về các khu kinh tế ven biển, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030 đối với 08 khu kinh tế ven biển đã được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011 – 2020.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Đại biểu Đỗ Đức Duy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái điều hành nội dung thảo luận.

Đại biểu Đỗ Đức Duy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái điều hành nội dung thảo luận.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Một số đại biểu cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung quan trọng, phức tạp, cần bố trí thời gian phù hợp để thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất cao khi ban hành và triển khai Nghị quyết.

Một số đại biểu cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung quan trọng, phức tạp, cần bố trí thời gian phù hợp để thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất cao khi ban hành và triển khai Nghị quyết.

Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm tới định hướng phát triển không gian biển, đồng thời đề nghị cần có định hướng cụ thể hơn việc sử dụng không gian biển cho một số lĩnh vực dựa trên tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên của từng vùng biển./.

Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm tới định hướng phát triển không gian biển, đồng thời đề nghị cần có định hướng cụ thể hơn việc sử dụng không gian biển cho một số lĩnh vực dựa trên tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên của từng vùng biển./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=72137