THẢO LUẬN TẠI TỔ 9: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CÓ GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN HƠN ĐỂ PHỤC HỒI KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 9.

Toàn cảnh phiên thảo luận ở Tổ 9

Toàn cảnh phiên thảo luận ở Tổ 9

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận. Tổ 09 gồm 26 đại biểu thuộc các Đoàn ĐBQH: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bến Tre.

Tại phiên thảo luận ở Tổ 9, đa số các đại biểu tán thành cao Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. GDP tăng trưởng 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 3,15%, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách nhà nước, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn tăng.

Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, tình hình trong và ngoài nước hết sức khó khăn, nhưng nước ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định về tỷ giá và lạm phát, thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định là thành tựu nổi bật.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tham dự phiên thảo luận tại Tổ 9

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tham dự phiên thảo luận tại Tổ 9

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ rõ diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ Quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: tăng trưởng GDP Quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn. Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.

Các ý kiến cũng chỉ rõ, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương… chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt.

Bên cạnh đó, tình trạng cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc, vật tư y tế trong danh mục được BHYT chi trả để cung cấp cho người có thẻ BHYT vẫn chưa được giải quyết. Ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với một số khó khăn như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trang thiết bị, phương tiện dạy học…

Góp ý về vấn đề thiếu giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Lê Văn Thìn - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, vấn đề này đã nhiều lần được đề cập tại nghị trường Quốc hội nhưng hiện nay vẫn chưa có giải pháp triệt để. Hiện thiếu giáo viên cấp tiểu học nên chưa đảm bảo để triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; giáo viên chuyên dạy các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Thể dục còn thiếu vì không có định mức biên chế riêng cho các bộ môn này ở cấp Tiểu học. Đối với cấp THCS, THPT, lực lượng giáo viên chưa đảm bảo để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 như còn thiếu giáo viên các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý, Hoạt động trải nghiệm…

Vì vậy, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp để đảm bảo việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đạt hiệu quả.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Phát biểu thảo luận tại Tổ 9, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ bên cạnh đánh giá kinh tế - xã hội hàng năm, cần làm rõ, bổ sung thêm nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và dài hơn, từ đó đưa ra phân tích, đánh giá đưa giải pháp bền vững và toàn diện hơn.

Về vấn đề việc làm của người lao động, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã chỉ rõ: Tình trạng người lao động bị giảm việc, mất việc trong một số ngành, các lĩnh vực thâm dụng lao động ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như tiềm ẩn khó khăn về an ninh trật tự trong thời điểm cuối năm. Theo báo cáo Chính phủ, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, có gần 547 nghìn lao động tại 1300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm do đơn hàng giảm, trong đó có doanh nghiệp FDI chiếm 75%. Số lao động mất việc làm trong Quý I/2023 là 149 nghìn lao động, tăng 39 nghìn so với Quý IV/2022… Tình hình giới trẻ mất việc làm thì cao hơn so với lứa tuổi lớn hơn…

Từ những thực tế nêu trên, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ có chính sách đủ mạnh, kịp thời, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất cũng như các giải pháp tín dụng, tài khóa, thị trường, hỗ trợ người lao động bị mất việc, hỗ trợ tạo việc làm,đặc biệt sớm triển khai Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Và về lâu dài, tiếp tục có giải pháp để khắc phục, cải thiện, nâng cao chỉ tiêu, tốc độ tăng năng suất lao động

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2022 là năm sau đại dịch Covid-19 kéo dài, dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết để tháo gỡ những vướng mắc trong phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động các giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã kịp thời quyết định mở cửa sớm, vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hôi.

Do vậy, đại biểu Đỗ Thị Lan nhận thấy, năm 2022 là kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt toàn diện trên các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Chỉ có 2 chỉ tiêu chưa đạt được là chỉ tiêu về năng suất lao động và chỉ tiêu tỉ trọng chế biến chế tạo trong công nghiệp. Đại biểu cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời thì chỉ tiêu này sẽ tiếp tục không đạt trong năm 2023.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Nhận định năm 2023 còn nhiều khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, Chính phủ đã nỗ lực, cố gắng, sự quyết liệt được thể hiện rõ ở việc phân công cho các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành trực tiếp xuống các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, nắm bắt tình hình để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn vẫn còn khó khăn từ nội tại của nền kinh tế. Về các chỉ tiêu thực hiện của năm 2023, đánh giá tỉ lệ thất nghiệp giảm 0,07 điểm, hiện đang ở mức 2,25%, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, đây là chỉ tiêu đang giảm so với cùng kỳ. Quý 1/2023 tăng trưởng thấp, nhiều đơn hàng gặp khó khăn, không thể thực hiện được. Tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường rất cao. Tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của 4 tháng đầu năm 2023 đều giảm… Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị cần có đánh giá sát với thực tiễn để đưa ra những giải pháp phù hợp.

Về chỉ tiêu trong lĩnh vực y tế, đại biểu cũng đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn để có giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, đề ra giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đại biểu Phạm Đại Dương - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng Tổ 09 ghi nhận các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và cho rằng các ý kiến rất trách nhiệm, xác đáng, tâm huyết, đưa ra tình hình, thực trạng, bổ sung giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới. Đại biểu Phạm Đại Dương cho biết, các ý kiến thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và năm 2023. Các ý kiến đã đưa ra các nhóm vấn đề bất cập, tìm ra nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể hơn để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đề nghị Tổ thư ký tổng hợp lại các ý kiến báo cáo Quốc hội./.

Môt số hình ảnh tại phiên thảo luận ở Tổ 9:

Toàn cảnh phiên thảo luận ở Tổ 9

Toàn cảnh phiên thảo luận ở Tổ 9

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu tại Tổ 9

Các đại biểu tại Tổ 9

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ xem xét toàn diện về thể chế chính sách, đồng thời cần có giải pháp dài hạn để thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, đánh giá toàn diện để thấy rõ hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ xem xét toàn diện về thể chế chính sách, đồng thời cần có giải pháp dài hạn để thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, đánh giá toàn diện để thấy rõ hạn chế.

Đại biểu Đặng Thuần Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm nên chưa tạo động lực tăng trưởng, đồng thời chậm giải ngân vốn các CMTQG và các Chương trình khác, đây là những nội dung của lãng phí… Đề nghị cần nhận diện rõ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng, cần có giải pháp ưu tiên cho vấn đề này.

Đại biểu Đặng Thuần Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm nên chưa tạo động lực tăng trưởng, đồng thời chậm giải ngân vốn các CMTQG và các Chương trình khác, đây là những nội dung của lãng phí… Đề nghị cần nhận diện rõ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng, cần có giải pháp ưu tiên cho vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu quan tâm về quy hoạch điện VIII, tháo gỡ cơ chế về nguồn cung, đề nghị cần có tầm nhìn dài hạn hơn, có định hướng đối với điện hạt nhân, làm chủ khoa học công nghệ và hạn chế rủi ro đối với điện hạt nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu quan tâm về quy hoạch điện VIII, tháo gỡ cơ chế về nguồn cung, đề nghị cần có tầm nhìn dài hạn hơn, có định hướng đối với điện hạt nhân, làm chủ khoa học công nghệ và hạn chế rủi ro đối với điện hạt nhân.

Các đại biểu tại Tổ 9

Các đại biểu tại Tổ 9

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76199