Thảo luận tại Tổ, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được ĐBQH tỉnh Bắc Kạn quan tâm, kiến nghị

BBK- Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Tổ về nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

 Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

Nội dung thảo luận tập trung vào 06 vấn đề, gồm: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023. Việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025. Việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Từ thực tiễn hoạt động giám sát và lắng nghe ý kiến cử tri, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận và gửi nhiều kiến nghị thiết thực đến các cơ quan có thẩm quyền.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Sỹ Huân cho biết, hiện nay số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã. Mặc dù đã có một số chính sách hỗ trợ, nhưng theo đại biểu, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa gắn với đặc thù địa phương và tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số, người dân nông thôn, cần có thêm những chính sách đột phá hơn như miễn thuế đất, hỗ trợ thuê tài sản trên đất, tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng… nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nông, lâm nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững.

 Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách Hà Sỹ Huân đề xuất nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy chính sách an sinh và bảo vệ rừng.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách Hà Sỹ Huân đề xuất nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy chính sách an sinh và bảo vệ rừng.

Liên quan đến chính sách bảo vệ rừng, vừa qua Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng. Tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét điều tiết nguồn lực hợp lý cho các địa phương, nhất là các địa phương có tỷ lệ rừng cao nhưng chưa tự cân đối được ngân sách để có thêm các chính sách riêng biệt hỗ trợ người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng, để đảm bảo duy trì độ che phủ rừng bền vững đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí hoặc điều tiết các nguồn vốn hỗ trợ từ doanh nghiệp để giúp các địa phương thiếu nguồn lực sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng tiến độ vào năm 2025.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất cụ thể, tập trung vào các vấn đề kinh tế - xã hội cấp thiết đang đặt ra từ thực tiễn địa phương.

 Đại biểu Nguyễn Thị Huế kiến nghị nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống nhân dân và phát triển bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế kiến nghị nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống nhân dân và phát triển bền vững.

Về công tác phân bổ ngân sách, đại biểu cho biết hiện nay một số nguồn kinh phí lớn vẫn chưa được phân bổ, gây khó khăn trong triển khai nhiệm vụ ở cơ sở. Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng phương án phân bổ cụ thể, tránh tình trạng dồn dập giải ngân vào cuối năm, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và tiến độ các chương trình, dự án.

Liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Huế đánh giá cao vai trò chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng hành cùng các đề xuất liên quan đến phát triển sinh kế rừng, đại biểu đề nghị sớm triển khai thực hiện cơ chế tín chỉ các-bon, coi đây là hướng đi bền vững, tạo động lực để người dân bảo vệ rừng, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính, vừa tạo thu nhập mới cho cộng đồng.

Đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến tình trạng thiếu hụt hạ tầng thiết yếu ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, còn nhiều thôn, bản chưa có sóng điện thoại và một tỷ lệ dân số chưa được tiếp cận được điện lưới quốc gia. Do đó, đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, góp phần bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, nâng cao chất lượng sống.

Đối với chính sách an sinh xã hội, đại biểu đề xuất cần xem xét hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nhóm người từ 60 tuổi trở lên, đã hết tuổi lao động nhưng không thuộc diện trợ cấp xã hội. Đây là nhóm dễ bị tổn thương và cần có chính sách riêng để đảm bảo tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Quan tâm đến các đối tượng hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sắp tới không còn chức danh này, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đến việc thực hiện chính sách cho các đối tượng này và phương án tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại cơ sở khi không còn các chức danh này ở cấp xã.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao, cần sớm có quy định rõ ràng về việc xác định lại tiêu chí sau khi sáp nhập. Đồng thời, đề nghị sửa đổi Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ về phân định vùng theo đơn vị hành chính mới nhằm bảo đảm chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới, bày tỏ quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả trụ sở các cơ quan hành chính sau sắp xếp đơn vị hành chính. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bố trí địa điểm làm việc linh hoạt ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp tùy theo tính chất công việc. Điều này vừa tiết kiệm, tránh lãng phí trụ sở, vừa tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức không phải di chuyển xa, đồng thời phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ hiện nay.

 Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến sử dụng trụ sở, đánh giá cán bộ, công chức và bảo vệ người tiêu dùng.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến sử dụng trụ sở, đánh giá cán bộ, công chức và bảo vệ người tiêu dùng.

Liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, người lao động, đại biểu đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá theo từng vị trí việc làm. Đặc biệt, việc xây dựng chỉ số KPI cần sát thực tế, phản ánh đúng năng lực, hiệu quả công việc.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu dẫn chứng một số thông tin gây hoang mang dư luận thời gian qua như “trứng giả”, hay nguy cơ nhiễm độc sầu riêng khi xuất khẩu, chất lượng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử... Đại biểu đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong chủ động kiểm soát, xác minh thông tin và kịp thời để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người dân./.

Triệu Tuyên

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/thao-luan-tai-to-nhieu-van-de-kinh-te-xa-hoi-duoc-dbqh-tinh-bac-kan-quan-tam-kien-nghi-post70985.html