THẢO LUẬN TỔ 02: CẦN TĂNG CƯỜNG MỞ RỘNG PHẠM VI VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DÂN THAM GIA BHXH, BHYT
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 22/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Thảo luận ở Tổ 2 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long.
Đồng chí Y Thanh Hà Nie Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Tổ trưởng Tổ 2 điều hành nội dung thảo luận. Thảo luận ở Tổ 2 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long.
Thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, đa số ý kiến nhận thấy, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, một số chính sách, quy định được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Góp ý về nội dung này, Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhận thấy, BHXH và BHYT là những trụ cột lớn, căn bản của an sinh, đảm bảo đời sống lâu dài khi người lao động về già, đối tượng càng mở rộng bao nhiêu thì mục tiêu an sinh mới đạt được. Luật Lao động hướng tới mở rộng đối tượng lao động phi chính thức, đại biểu Đinh Ngọc Quý mong muốn đa dạng các hình thức bảo hiểm hơn. Hiện đối tượng tham gia BHXH chỉ khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, chiếm khoảng 1/3. Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng năm 2020, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025. Đây là nỗ lực lớn của ngành bảo hiểm. Bên cạnh đó, đại biểu đánh giá cao ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đi đầu trong những năm gần đây trong cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành (27/27 thủ tục hành chính).
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân, hạn chế này là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Có ý kiến chỉ ra rằng, nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN gặp nhiều hạn chế. BHTN chưa thực thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị thường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả.
Cần tăng cường mở rộng phạm vi và quyền lợi của người dân đóng BHYT
Thảo luận về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020, đa số các ý kiến nhận thấy, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực BHYT được ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ BHYT.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra rằng, tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với Luật chưa được giải quyết dứt điểm; gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả và quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chưa được ban hành đầy đủ và cập nhật; hệ thống văn bản về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa chưa được hoàn thiện làm ảnh hưởng đến hoạt động KCB BHYT và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.
Về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, các đại biểu nhận thấy, sau 8 năm thực hiện, 08 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 04 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68. Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nhất trí cao với các ý kiến thảo luận tại Tổ 2. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, BHYT đã giúp cho mọi người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với các dịch vụ y tế, đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời khẳng định, thời gian qua, mặc dù Việt Nam tiếp cận với chính sách BHYT muộn hơn so với các nước nhưng độ bao phủ của BHYT rất nhanh, chiếm 90,85%, vượt cả chỉ tiêu Quốc hội giao vì thể hiện tính ưu việt, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng lên và đặc biệt mở rộng phạm vi, quyền lợi được hưởng của những người dân đóng BHYT. Ngoài ra, việc đổi mới về quản lý, giám sát, thẩm định, quyết toán công khai, minh bạch hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đây là chính sách rất ưu việt, người dân được hưởng lởi nhiều hơn so với mức đóng nên cần được tiếp tục thực hiện và phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Xác định BHYT là một trong những trụ cột an sinh xã hội, nhất là đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế đang thẩm định, báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội Luật Y tế sửa đổi trong thời gian tới. Bộ trưởng mong muốn nhận được sự đồng thuận cao hơn.
Nhấn mạnh việc đảm bảo tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT là vấn đề rất quan trọng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, theo nguyên tắc đóng mở chia sẻ rủi ro, càng có nhiều người đóng, gần như bao phủ toàn bộ dân số của nước ta thì lúc đó việc chia sẻ rủi ro sẽ bớt lo ngại hơn. Hiện có một số đối tượng chưa được liệt kê vào Luật BHYT, do đó Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ sửa luật theo hướng tất cả người dân được tiếp cận với y tế, dịch vụ BHYT. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường mở rộng phạm vi và quyền lợi của người dân đóng BHYT.
Cho rằng trình độ, năng lực và khả năng chuyên môn của các tuyến hiện còn khác nhau, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất thời gian tới cần đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở, mở rộng nhiều hơn. Việc củng cố, tăng cường y tế cơ sở cho người dân ngay tại địa phương là rất quan trọng, từ đó người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn. Đẩy mạnh việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, kết nối các điểm cầu trên toàn quốc.
Đề cập đến mô hình bác sỹ gia đình, các ý kiến nhận thấy, thời gian qua, mô hình bác sỹ gia đình được thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Khi dịch bệnh xảy ra, mô hình bác sỹ gia đình đã phát huy hiệu quả cao. Về mặt pháp lý, mô hình bác sỹ gia đình còn gặp nhiều vướng mắc, đa số đại biểu đề nghị cần thúc đẩy mô hình này tốt hơn trong thời gian tới, nhấn mạnh vai trò của tổ y tế lưu động để quản lý sức khỏe của người dân tốt hơn, sát hơn. Các đại biểu hy vọng thời gian tới khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT cần xử lý và khắc phục những hạn chế của mô hình này.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về trách nhiệm của trung ương và địa phương trong việc bảo đảm năng lực y tế tuyến cơ sở; giải pháp để sớm hoàn thành đầu tư nâng cấp trạm y tế xã; Thuận lợi, khó khăn và vướng mắc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19; thanh quyết toán bảo hiểm y tế và giám định bảo hiểm y tế…/.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59772