THẢO LUẬN TỔ 04: CẦN SỚM BAN HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết này nhằm tháo gỡ vướng mắc thực tế, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án, bảo đảm mục tiêu đề ra.
Đề xuất những chính sách mạnh mẽ chưa từng có
Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành nghị quyết, phạm vi điều chỉnh, nội dung giải thích từ ngữ, thời gian thực hiện và nội dung các chính sách cụ thể. Các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết này, nhấn mạnh rằng cần sớm ban hành Nghị quyết và khẩn trương triển khai thực hiện để các bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong các năm còn lại của nhiệm kỳ bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh nhất trí sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, để các chương trình phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Cơ bản nhất trí với các nội dung chính sách do Chính phủ đề xuất, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng nội dung một số chính sách hướng đến phân cấp mạnh cho cơ sở là phù hợp và có tính khả thi cao.
Cũng bày tỏ thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng cần khẩn trương ban hành chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy toàn diện việc thực hiện các chương trình này; nhấn mạnh rằng nếu không sớm có các chính sách đặc thù thì việc đạt mục tiêu của các Chương trình là rất khó đạt được.
Trong khi đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh để các chính sách phát huy được hiệu quả thì yêu cầu đặt ra là phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn các quy trình thủ tục. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh thành phân bổ vốn sớm để các địa phương thực hiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng làm rõ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp lần này chứa đựng những cơ chế, chính sách mạnh mẽ chưa từng có, Chính phủ đã rất nất nỗ lực cố gắng để có thể đề xuất được các nội dung chính sách như dự thảo. Do đó, nếu được Quốc hội thông qua, dù là với phương án nào thì cũng đều là thành công lớn. Với 8 cơ chế chính sách mạnh mẽ, khác các quy định hiện hành sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo, đan xen, phức tạp và thậm chí là xung đột giữa các quy định, hướng dẫn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.
Các cơ chế, chính sách được đề xuất đều bảo đảm nguyên tắc phân cấp mạnh, tăng cường năng lực cơ sở và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, trong đó có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Đồng thời bảo đảm tính khả thi, có cân nhắc đến năng lực thực hiện của cấp huyện, cấp xã trong trường hợp được phân cấp, trao thẩm quyền. Tuân thủ nghiêm các nguyên tắc trong quản lý ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết.
Cân nhắc đến năng lực tổ chức triển khai thực hiện của cấp huyện
Một trong những chính sách được nhiều đại biểu quan tâm là về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng: Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh, chính sách này cần mạnh dạn phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm đến từng dự án thành phần, thay vì chỉ quy định “trong trường hợp cần thiết” như dự thảo đang thể hiện.
Đại biểu cho rằng nếu giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ dự toán đến dự án thành phần thì trường hợp vướng mắc ở huyện thì vẫn cần họp Hội đồng nhân dân tỉnh, khi đó sẽ mất thêm thời gian. Do đó, đại biểu đề nghị phân cấp mạnh cho cấp huyện trong phân bổ chi tiết, điều chỉnh và tổ chức thực hiện. Cấp tỉnh thực hiện vai trò hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
Có cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng cần phân cấp mạnh hơn cho cấp huyện trong phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm.
Làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết khi đề xuất chính sách này, Chính phủ đã cân nhắc hết sức kĩ lưỡng nội dung, theo đó, việc phân cấp cần được tính toán trên cơ sở năng lực thực hiện của địa phương, đội ngũ cán bộ thực thi ở cấp huyện. Mặt khác, hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hiện cũng rất linh hoạt, có thể họp bất thường để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Việc giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ bảo đảm được tính bao quát vấn đề khi xem xét, quyết định để từ đó có phân bổ cân đối, hài hòa.
Theo chương trình, chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận toàn thể tại hội trường về nội dung này.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tổ:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84091